Bất động sản

Bản tin bất động sản số 13/2022

Thứ hai, 28/3/2022 | 09:13 GMT+7
Trước tình trạng gom đất để san nền, phân lô, tách thửa, làm giá rồi chào bán tràn lan, gây bất ổn cho thị trường bất động sản, một số địa phương đã yêu cầu tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan đến chia tách thửa đối với đất nông nghiệp...

Nhiều địa phương tạm dừng giải quyết thủ tục tách thửa đất nông nghiệp

Ngày 22/3, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có công văn 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2.

Nhiều địa phương tạm dừng giải quyết thủ tục tách thửa đất nông nghiệp

Cũng trong ngày 22/3/2022, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước - địa phương đang là điểm nóng về đất đai) ký ban hành công văn hỏa tốc số 529/UBND-KT về việc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, tạm dừng các thủ tục tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông. Đối với các thửa đất tiếp giám đường giao thông: tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất có diện tích tách thửa tối thiểu dưới 2.000 m2 đối với phường và dưới 3.000 m2 đối với 2 xã Tân Thành, Tiến Hưng (bao gồm cả thửa đất tách ra và thửa đất còn lại; một thửa đất chỉ tách 1 lần không tách tiếp từ thửa đã tách). Không thực thực hiện tách thửa (tất cả các loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành văn bản bổ sung yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh này yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đề nghị kiểm tra 53 dự án chậm tiến độ, không triển khai tại TP Vinh

Sau khi rà soát, UBND thành phố Vinh đã có văn bản số 1099/UBND-QLĐT báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An danh mục các dự án chậm tiến độ, không triển khai đề nghị kiểm tra năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Trong danh sách gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An mới đây, thành phố Vinh đã điểm mặt 53 dự án thuộc diện chậm tiến độ.

Cụ thể là dự án tòa nhà Lũng Lô tại phường Quán Bàu, mới đây phía chủ đầu tư đã rao bán khi đã thực hiện xong phần móng, với giá rao bán khởi điểm 54 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư Cienco4 Land với dự án khu thương mại, nhà ở và chung cư cao tầng tại phường Đông Vĩnh; Công ty CP xây dựng Trung Đức với dự án trung tâm thương mại, nhà nghỉ và dịch vụ tại xã Nghi Phú; Công ty THNH Phú Nguyên với dự án trung tâm thương mại, nhà ở tổng hợp và văn phòng cho thuê Phú Nguyên Plaza tại phường Hồng Sơn; Công ty CP đầu tư và Xây dựng thương mai Đại Huệ với dự án khu đô thị Đồng Dâu kết hợp nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Hưng Dũng; Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 4 với dự án tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở đô thị tại phường Lê Lợi...

Đặc biệt, trong số 53 dự án chậm tiến độ được thành phố Vinh “điểm danh” lần này có những dự án cả chục năm trôi qua nhưng vẫn là bãi đất trống, có những dự án xin gia hạn, hết gia hạn vẫn im lìm không thực hiện triển khai theo cam kết. Điển hình như Công ty CP vận tải ôtô số 5 với dự án trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng làm việc tại phường Quán Bàu; Công ty TNHH Đầu tư giáo dục và Giải trí Tuổi Thơ với dự án trường Mầm non quốc tế Kids House tại phường Quán Bàu; Công ty THNH Mai Linh với dự án trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ tại xã Nghi Ân; Công ty Thiết bị và Xây lắp Bưu điện Nghệ An với dự án chia lô đất ở thuộc xã Nghi Phú...

TPHCM: Kiến nghị thu hồi quỹ đất 20% nhà ở xã hội nếu chủ đầu tư chậm triển khai

Mới đây, Sở Xây dựng có báo cáo UBND TPHCM về tình hình phát triển nhà ở trong quý I/2022 và kế hoạch năm 2022 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Sở Xây dựng, đến cuối năm 2021 thành phố tăng thêm 4,7 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó nhà ở riêng lẻ là 3,37 triệu m2  sàn, nhà ở từ 15 dự án được hoàn thành trong năm là 1,33 triệu m2 sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn TP là 196,53 triệu m 2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,92 m2/người. Trong 3 tháng đầu năm 2022, TP phát triển thêm 1,5 triệu m2 sàn nhà ở, đạt 22,4% kế hoạch của năm.

Về việc rà soát quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha, thúc đẩy chủ đầu tư triển khai nhanh, nếu chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không triển khai thì thu hồi giao cho chủ đầu tư có năng lực thực hiện.

Ảnh minh họa

Qua rà soát có 33 dự án đầu tư nhà ở thương mại có diện tích trên 10 ha, có yêu cầu dành đất cho nhà ở xã hội với diện tích quy hoạch 1.651ha, diện tích đất xây nhà xã hội khoảng 109 ha với quy mô 70.000 căn, đã có 14 dự án đã hoàn tất công tác đền bù giải tỏa với diện tích quy hoạch 435 ha với diện tích xây dựng nhà ở xã hội 32 ha với số lượng 15.000 căn.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở trên địa bàn TP, công khai quy hoạch để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin quy hoạch; rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở… Sở Xây dựng kiến nghị các Sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm trách nhiệm theo Quyết định 4151/QĐ-UBND ngày 9/12/2021 của UBND TPHCM.

Thu Uyên (t/h)