Bất động sản

Bản tin bất động sản số 31/2021

Thứ hai, 27/9/2021 | 10:29 GMT+7
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã cho ý kiến chỉ đạo đối với việc gia hạn tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn gồm: khu dân cư dịch vụ – du lịch làng chài Điện Dương và khu dân cư – tái định cư Hà My Đông A.

Quảng Nam xem xét xử lý các dự án chậm tiến độ

Theo đó, tại dự án khu dân cư dịch vụ – du lịch làng chài Điện Dương diện tích 24,17 ha, hiện nay, chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng Bestcon mới giải phóng mặt bằng được khoảng 4 ha, hiện trạng khu vực có mật độ dân cư đông đúc, tiến độ triển khai dự án chậm.

UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Sở Xây dựng và chủ đầu tư rà soát, đánh giá tính khả thi của dự án.

Đồng thời, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án này theo hướng không giải phóng mặt bằng đối với các khu vực có dân cư tập trung đông, chỉ chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo thoát nước và định hướng phát triển thành khu du lịch cộng đồng.

Đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng (4 ha) được bố trí đất tái định cư và một phần đất khai thác để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường nối từ đường ĐT 603A vào bãi tắm và bố trí tái định cư cho các dự án đầu tư công khu vực lân cận theo nguyên tắc đảm bảo cân đối chi phí đầu tư của chủ đầu tư.

Ảnh minh họa

Đối với dự án khu dân cư – tái định cư Hà My Đông A, giao UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Sở Xây dựng, chủ đầu tư rà soát lại dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Điện Dương để đánh giá lại sự cần thiết triển khai dự án khu dân cư dịch vụ – du lịch làng chài Điện Dương, trên cơ sở đó đánh giá nhu cầu tái định cư để bố trí vào khu dân cư – tái định cư Hà My Đông A.

Đồng thời, đánh giá quỹ đất phục vụ tái định cư cho các công trình đầu tư công khu vực lân cận, báo cáo đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh lại dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Điện Dương (trong đó lưu ý trừ phần diện tích bố trí cho quy hoạch công viên sông Cổ Cò với quy mô 70 - 80ha), nghiên cứu bàn giao dự án khu dân cư – tái định cư Hà My Đông A cho UBND thị xã Điện Bàn quản lý, bố trí tái định cư.

Được biết, dự án khu dân cư dịch vụ – du lịch làng chài Điện Dương được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1770 (ngày 25/4/2016) cho Công ty CP Xây dựng Beton 6 miền Trung làm chủ đầu tư (sau này chuyển giao lại cho Công ty CP Xây dựng Bestcon).

Còn đối với dự án khu dân cư – tái định cư Hà My Đông A (19,3 ha) được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1771 (ngày 25/4/2016) của UBND tỉnh Quảng Nam và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Điện Dương (71,54 ha) được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 3750 (ngày 15/11/2019) của UBND tỉnh Quảng Nam đối với Công ty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An (Bắc Hội An).

Công ty Bắc Hội An cũng đang là chủ đầu tư tại dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Bắc Hội An (47,64 ha) theo Quyết định chủ trương đầu tư số 5559 (ngày 9/6/2016) của UBND tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, vào thời điểm tháng 8/2021, Cục thuế Quảng Nam đã nhắc tên Công ty Bắc Hội An liên quan đến khoản nợ thuế hơn 14,9 tỷ đồng, thời gian nợ đã quá hạn hơn 90 ngày.

Gia Lai ban hành danh mục 319 hồ, ao, đầm không được san lấp

UBND tỉnh Gia Lai vừa có Quyết định số 605 phê duyệt danh mục ao, hồ, đầm không san lấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trong đó, TP Pleiku có 10 hồ; thị xã Ayun Pa có 2 hồ; thị xã An Khê có 152 ao và 3 hồ; huyện Kbang có 14 hồ, 2 ao và 2 đầm; huyện Kông Chro có 8 ao và 5 hồ; huyện Đăk Pơ có 38 ao và 11 hồ; huyện Mang Yang có 11 hồ; huyện Đăk Đoa có 22 hồ và 1 đầm; huyện Chư Pưh có 1 hồ; huyện Ia Grai có 59 hồ; huyện Chư Prông có 17 hồ; huyện Đức Cơ có 15 hồ; huyện Chư Sê có 6 hồ và 1 đập; huyện Chư Păh có 16 hồ; huyện Phú Thiện có 7 hồ; huyện Ia Pa có 6 hồ; huyện Krông Pa có 11 hồ, 2 đầm và 1 ao.

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê, cập nhật và tham mưu UBND tỉnh Gia Lai điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Danh mục các hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Các đơn vị này có trách nhiệm quản lý chặt chẽ không để xảy ra hoạt động san lấp hồ, ao, đầm trái phép trên địa bàn theo quy định.

UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý hồ, ao đầm xây dựng kế hoạch quản lý, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và bảo vệ hồ, ao, đầm, không được san lấp. Cộng đồng dân cư không được san lấp, lấn chiếm trái phép hồ, ao, đầm sử dụng cho mục đích cá nhân. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của phép luật.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư xây dựng 8 khu đô thị mới, tổng diện tích gần 460 ha

Trong năm 2021 này, tỉnh Ninh Thuận sẽ chuyển đổi trên 6.600 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để phát triển các công trình công ích, giao thông, năng lượng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư và thực hiện một số dự án bất động sản. Đây là một trong những nội dung kế hoạch sử dụng đất vừa được chính quyền tỉnh này phê duyệt.

Đáng lưu ý trong kế hoạch này là Ninh Thuận sẽ xây dựng ít nhất 8 khu đô thị mới. Trong đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm có khu đô thị Tây Bắc (91 ha); khu đô thị mới Bắc Trần Phú 2 (21 ha); khu đô thị Đông Hải (11,5 ha); khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ K2 (54 ha). Huyện Ninh Hải có 3 dự án đô thị biển: Khánh Hải (29 ha), khu đô thị vườn (161 ha), khu đô thị Tây Bắc Đầm Nại (91 ha). Ngoài ra, còn có một số khu dân cư mới được xây dựng tại vùng biển Cà Ná, Phước Dinh của huyện Thuận Nam.

Các dự án kêu gọi đầu tư đều nằm trong danh sách quy hoạch giai đoạn  2021 - 2025

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp nói trên thuộc kế hoạch 5 năm tới của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng trên 284.000 ha đất nông nghiệp, hơn 44.500 đất phi nông nghiệp.

Thu Uyên (t/h)