Bất động sản

Bản tin bất động sản số 42/2022

Thứ hai, 31/10/2022 | 07:30 GMT+7
UBND tỉnh Bình Định mới đây đã có Quyết định số 3410/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025.

Bình Định điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2020 – 2025

Theo đó, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Bình Định được phê duyệt tại Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 và Quyết định số 4362/QĐ-UBND ngày 1/11/2021. Toàn tỉnh có 338 dự án đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư với diện tích sử dụng đất hơn 12.108 ha. Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đã tăng lên 687 dự án tuy nhiên diện tích sử dụng đất 8.054 ha. Như vậy, kế hoạch điều chỉnh tăng 349 dự án, nhưng diện tích đất sử dụng giảm 4.053 ha.

Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư có 213 dự án, hơn 11.545 ha của kế hoạch ban đầu được bổ sung lên 509 dự án, 6.985 ha (tăng 296 dự án, nhưng diện tích sử dụng đất giảm 4.560 ha).

Bình Định điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2020 – 2025

Với dự án nhà ở xã hội từ 30 dự án, 74,82 ha đất bố trí sử dụng đã được điều chỉnh tăng 33 dự án, hơn 125 ha (tăng 3 dự án đầu tư và diện tích đất 50,45 ha).

Dự án nhà ở tái định cư, kế hoạch có 95 dự án, 487,99 ha, đã được điều chỉnh lên 145 dự án, 944,09 ha (tăng 50 dự án, 456 ha).

Sau khi quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025 được tỉnh Bình Định ban hành, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên theo dõi việc thực hiện. 

Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển nhà ở, tùy theo tình hình thực tế có thể điều chỉnh kế hoạch, danh mục cho phù hợp với mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở, tuân thủ theo quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh Bình Định.

TP Hà Nội công khai 23 dự án vi phạm bị thu hồi

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành văn bản số 8053/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ triển khai và vi phạm pháp luật trên địa bàn TP, đặc biệt 23 dự án đã bị công khai danh tính trong đợt này.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND xã, phường, thị trấn tổ chức công khai, minh bạch thông tin xử lý trên phương tiện truyền thông địa phương như: loa, đài phát thanh và tại địa điểm đất... đối với 23 dự án mà UBND TP đã có quyết định thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng và chấm dứt hoạt động dự án. 

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, xử lý, bổ sung danh sách để đăng công khai, minh bạch thông tin đối với các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành TP và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP về công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, giám sát của nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đồng thời tổng hợp, báo cáo rõ kết quả thực hiện các nội dung đã được giao cụ thể cho từng đơn vị theo các văn bản chỉ đạo nêu trên.

Trong số 23 dự án mà UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất với 9 dự án.

Đà Nẵng kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ sử dụng đất

UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn số 5768/UBND-ĐTĐT ngày 21/10/2022 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cùng UBND các quận, huyện trực thuộc về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan tập trung rà soát, lập danh sách, hồ sơ quản lý đối với các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất 12 tháng liên tục hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng theo quy định của pháp luật đất đai. 

Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; xử lý nghiêm, triệt để, đúng pháp luật đối với các dự án, công trình có vi phạm. Kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư, đã hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư đưa đất vào sử dụng.

TP Đà Nẵng sẽ tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất. (Ảnh minh họa)

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách các dự án, công trình có vi phạm để đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND TP và gửi thông tin để đang trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục quản lý đất đai. 

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm. Tập trung nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng... để đôn đốc chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Khánh Nam