Bất động sản

Bản tin bất động sản số 7/2023

Thứ hai, 20/2/2023 | 07:45 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh VGP)

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Theo Thủ tướng, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 32/CĐ-TTg về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

Để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi)

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh An Giang

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định 3144/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh An Giang hàng năm và 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch nhằm xác định được vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng quy mô dự án phát triển nhà ở, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng, số lượng, diện tích sàn xây dựng nhà ở để cho thuê trong 5 năm và hàng năm; dự báo được diện tích cần thiết, nguồn vốn, quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trong 5 năm và hàng năm.

Theo đó, dự kiến diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh An Giang đến năm 2025 đạt 22,3 m2 sàn/người; trong đó khu vực đô thị là 25,3 m2 sàn/người, khu vực nông thôn là 20,8 m2 sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu: phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đến năm 2025 đạt 10 m² sàn/người.

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu diện tích đất xây dựng nhà ở là 3.034,2 ha. Kế hoạch cụ thể theo từng năm giai đoạn 2021 - 2025 xác định: năm 2021 là 148.1 ha; năm 2022 là 276,2 ha; năm 2023 dự kiến là 850,4 ha; năm 2024 dự kiến là 870.0 ha; năm 2025 dự kiến là 889,6 ha.

Tổng nhu cầu vốn để xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 59.275 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xây dựng nhà ở thương mại là 6.070 tỷ đồng, nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội là 998 tỷ đồng, nguồn vốn xây dựng hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng là 52.208 tỷ đồng. 

Các nguồn vốn để phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh An Giang là vốn huy động xã hội hóa của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội, từ người dân, nguồn vốn tích lũy từ thu nhập của hộ gia đình.

Hạ Quyên