Bản tin môi trường số 14/2022

Thứ hai, 18/4/2022 | 08:07 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia tầm nhìn đến năm 2050

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

Định hướng giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, cần thực hiện chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, trong đó có phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Mở rộng hợp tác trong bảo vệ môi trường và vấn đề khí hậu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc và đi đến thống nhất với Phó Chủ tịch phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Alfonso Garcia Mora về việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trao đổi với Phó Chủ tịch Alfonso Garcia Mora, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26). Để thực hiện được cam kết cắt giảm khí nhà kính và thích ứng với BĐKH này, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam cần có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó vai trò của IFC là rất quan trọng để kết nối các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn của thế giới đến đầu tư tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Alfonso Garcia Mora làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm phát thải

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch IFC đã thống nhất việc ký biên bản ghi nhớ các nội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và IFC về việc thực hiện thỏa thuận của Việt Nam tại COP26, cùng bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH.

Với biên bản ghi nhớ, IFC đề xuất sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trong tín dụng xanh và quản lý rác thải điện tử; chuyển đổi carbon thấp của Việt Nam thông qua cung cấp vốn dài hạn cho các dự án xanh của doanh nghiệp hay sử dụng vốn của IFC như chất xúc tác để huy động các nguồn vốn quốc tế dài hạn khác cho các dự án giảm thải của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Alfonso Garcia Mora hy vọng rằng IFC sẽ tiếp tục được đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam để thực hiện những mục tiêu chung vì một thế giới xanh. Lãnh đạo IFC tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và IFC sẽ tạo ra được những thành công trong thời gian tới.

Triển khai nhiều công việc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý I/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo tại hội nghị, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của ngành, các đơn vị tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; đẩy nhanh tiến độ, triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành; tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được lãnh đạo Bộ chấp thuận; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.1), đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều công việc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn được triển khai trong thời gian tới

Trong từng lĩnh vực, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện các công việc được giao và cam kết sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao như hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình; ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam; giám sát rác thải nhựa ven biển…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với những khó khăn trong quá trình triển khai công việc, đề nghị các đơn vị phải quyết liệt, thẳng thắn hơn nữa để chia sẻ những vướng mắc cũng như tham mưu những ý tưởng, giải pháp thực tế với lãnh đạo Bộ.

Minh Khang