Hà Nội chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022

Thứ sáu, 8/4/2022 | 15:29 GMT+7
Ngày 7/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Theo chỉ thị, năm 2022, tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân... Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố xây dựng và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 sát với tình hình thực tế, có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu và dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cần quán triệt công tác chỉ đạo theo nguyên tắc cơ bản "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả" và theo phương châm "4 tại chỗ": chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Chủ động lên kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố. Kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm, xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, cháy nổ, sập đổ công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật và tổ chức diễn tập công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho người dân và chính quyền các cấp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ thị các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thuộc thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; kiện toàn bộ máy ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định; phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn.

Các quận, huyện, thị xã và xã, phường thị trấn xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp tình hình dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn, xây dựng phương án, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…

Khi có sự cố thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động huy động lực lượng và chỉ huy quyết liệt, ứng phó hiệu quả mọi tình huống xảy ra, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Dự trữ lương thực, thuốc men, cây và con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả.

Kim Bảo