Bản tin môi trường số 27/2023

Thứ hai, 24/7/2023 | 10:16 GMT+7
Tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề xuất các giải pháp về giải quyết ô nhiễm môi trường, ngập úng và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng Đông Nam Bộ.

Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại Đông Nam Bộ

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cho biết, thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, môi trường nước ta nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đang phải chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng đang tiếp tục gia tăng, gây tác động trực tiếp đến môi trường của vùng.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Để đảm bảo đạt được mục tiêu xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp như: lập và phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trong đó, tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững: chuyển đổi nhanh sang mô hình kinh tế tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Thực hiện đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng trong các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp; huy động toàn thể nhân dân tham gia bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông, cần thực hiện thường xuyên liên tục, không ngừng nghỉ.

Xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đến năm 2050

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã chủ trì buổi làm việc về xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nhằm xây dựng được mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 điều 107 Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó chỉ tập trung quan trắc tại các sông, hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, quan trắc môi trường nền và tại khu vực xuyên biên giới để đảm bảo tránh tối đa việc trùng lặp với các chương trình quan trắc tại các địa phương, đồng thời kết hợp với các mạng lưới quan trắc môi trường địa phương để đưa ra bức tranh tổng thể về chất lượng môi trường trên cả nước.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch hướng tới mục tiêu tăng cường việc chuyển đổi số, thiết lập hệ thống thông tin toàn diện về quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước, tầm nhìn tới năm 2050 là hướng tới mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường…

Theo Bộ trưởng, để quy hoạch được hoàn chỉnh và chặt chẽ, các đơn vị chủ trì cần tiếp tục phối hợp, tiếp thu các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, địa phương để xây dựng quy hoạch vừa có tính khoa học vừa có tính thực tiễn, định hướng phát triển cho tương lai. Song, phải đảm bảo quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Bộ Y tế đề nghị đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch mùa bão lũ

Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ 2023.

Công văn nêu rõ, để đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mưa lũ, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ.

Đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải trong mùa mưa lũ

Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường; xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế theo quy định.

Lưu ý, khi có bão, lũ xảy ra, các đơn vị tổ chức đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Sau khi bão, lũ xảy ra, các đơn vị cần hỗ trợ, hướng dẫn y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ truyền bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút…

Thanh Bảo