Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo hiểm họa gia tăng nắng nóng toàn cầu

Thứ tư, 19/7/2023 | 11:27 GMT+7
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa đưa ra cảnh báo, nắng nóng tăng cường khiến nhiệt độ ban đêm gia tăng, kéo theo nguy cơ đau tim và tử vong cao.

Theo thông báo chính thức, WMO cho biết, nhiệt độ tại Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải sẽ vượt ngưỡng 40 độ C và duy trì trong những ngày tiếp theo. Nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca đau tim và tử vong.

Cụ thể, đa số lo ngại dồn vào ban ngày khi nhiệt độ lên đến mức tối đa, song thực tế ban đêm mới là khoảng thời gian tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là với nhóm người dễ bị tổn thương.

Nắng nóng tăng cường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Tính đến ngày 15/7, đợt nắng nóng khắc nghiệt ở khu vực Tây Nam của châu Âu đã kéo dài suốt 5 ngày và làm bùng phát nhiều đám cháy rừng, buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của châu Âu cũng đã đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao đối với hầu hết nước Ý, Đông Bắc Tây Ban Nha, Croatia, Serbia, miền Nam Bosnia và Herzegovina và Montenegro.

Tại châu Á, các nghiên cứu đều khẳng định nhiệt độ nắng nóng tăng cao liên tục, tàn phá khủng khiếp nhiều vùng trọng điểm từ nay đến giữa thế kỷ. Đáng chú ý, sau những đợt nắng nóng gay gắt tấn công phần lớn lục địa vào tháng 4 tại châu Á, nhiệt độ lại tiếp tục tăng vọt. Mức nhiệt cao kỷ lục đã được ghi nhận ở Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều nơi khác. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo sẽ còn nhiều đợt nắng nóng hơn nữa.

Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỉ người sẽ tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm nếu thế giới vẫn tiếp tục tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này, trong đó Ấn Độ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chuyên gia cấp cao của WMO John Nairn cảnh báo, thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn nữa. Mặc dù hàng loạt quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong những ngày qua nhưng khả năng cao các kỷ lục này sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 17/7, Liên Hợp Quốc thông báo các mức nhiệt kỷ lục hiện nay tại một số khu vực, trong đó mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily (Italy) ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu; Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này đã lên tới 52,2 độ C; nhiệt độ đo được ở Thung lũng Chết, bang California (Mỹ) trong chiều ngày 16/7 đã lên tới gần mức kỷ lục 52 độ C.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngọc Mai (T/H)