Bản tin môi trường số 26/2023

Thứ hai, 17/7/2023 | 10:02 GMT+7
Theo lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, WB có mối hợp tác bền chặt với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các chính sách, dự án phát triển bền vững, nâng cao năng lực… đồng thời luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

WB hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã tiếp và làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB). Tại buổi làm việc, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chia sẻ, WB có mối hợp tác bền chặt với Bộ TN&MT trong việc xây dựng các chính sách, dự án phát triển bền vững, nâng cao năng lực… đồng thời luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tiếp và làm việc với đoàn công tác WB

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên lên tầm cao mới trong thời gian tới. Về những nội dung mà phía WB đã trao đổi, Bộ sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện, đồng thời tham mưu cho Chính phủ những công việc quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ để sớm triển khai.

Cụ thể về từng nhóm công việc, Bộ trưởng mong muốn WB tiếp tục đẩy mạnh triển khai hỗ trợ Chương trình nước quốc gia với hướng tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu và quản lý tổng hợp tài nguyên nước, hỗ trợ Việt Nam đạt được an ninh nguồn nước cho sự phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và bền vững môi trường. Bộ trưởng giao Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ thông tin và đánh giá sau quá trình phối hợp cùng WB, từ đó đề xuất những lĩnh vực và khu vực cần hỗ trợ để phối hợp tốt hơn với WB.

Với vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng giao Cục Kiểm soát ô nhiễm và các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp cùng WB triển khai các mô hình đo đạc và quản lý ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như triển vọng chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Vương quốc Anh đồng hành cùng Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew về quan hệ hợp tác chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với Đại sứ Iain Frew, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, các hoạt động hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã được triển khai trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật nhất là các giải pháp mang tính toàn cầu như: giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn rừng, phát triển các thành phố thông minh, bảo vệ cảnh quan bền vững...

Chính phủ Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam thực hiện giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thông tin về việc Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị COP26. Đồng thời cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh về việc giảm ô nhiễm không khí do hoạt động đốt ngoài trời; ô nhiễm hóa chất do sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp bằng công nghệ xanh và kỹ thuật tốt nhất hiện có.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Iain Frew đánh giá cao cam kết của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại COP26 và những hành động thực chất, đồng bộ của Việt Nam thời gian qua để thực hiện cam kết đó.

Đại sứ Iain Frew khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là đối với lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường.

Huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Ngày 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26).

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận về huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam hướng tới triển khai cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; Kế hoạch thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, các dự án giảm phát thải từ rừng và nông nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo COP26

Chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 cho rằng, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Do đó, phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Việc phát triển xanh phải bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện gồm: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó chú trọng kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh…

Lam An