Bản tin môi trường số 38/2023

Thứ hai, 9/10/2023 | 10:01 GMT+7
Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây đã ra mắt hệ thống hỗ trợ cảnh báo sớm dông, sét, mưa lũ tại trang iweather.gov.vn.

Ra mắt hệ thống hỗ trợ cảnh báo sớm dông, sét, mưa lũ

Hệ thống được xây dựng nhằm cung cấp sớm thông tin hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa lớn, phục vụ việc cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm có tác động tới cộng đồng.

Hệ thống hỗ trợ cảnh báo sớm dông, sét, mưa lũ. (Ảnh chụp màn hình)

Từ hệ thống hỗ trợ cảnh báo dông, sét, mưa lũ, mọi diễn biến về tình hình thời tiết trên tất cả các khu vực đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua những bức ảnh thu nhận được từ các vệ tinh quan trắc trái đất, radar thời tiết trong nước, mạng lưới đo mưa và mạng lưới định vị sét trên toàn quốc.

Dự báo viên hay các cơ quan chức năng có thể nhận biết được quá trình hình thành, phát triển và di chuyển của các đám mây đối lưu có khả năng gây mưa dông cho các khu vực.

Ngoài ra, hệ thống này cũng theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu của tất cả các trạm đo mưa và khí tượng tự động trên toàn mạng lưới. Các dữ liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa sẽ được so sánh, đánh giá với dữ liệu từ mô hình GSM của Nhật Bản nhằm cung cấp những thông tin đánh giá ban đầu cho dự báo viên về mức độ tin cậy của những loại dữ liệu phục vụ công tác ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm.

Tại lễ ra mắt hệ thống, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, những thông tin này sẽ được cảnh báo từ 30 phút đến 3 tiếng trước những cơn mưa lớn hay dông, sét, có thể giúp người dân tránh được thiệt hại về người và tài sản. Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã có bản đồ cảnh báo sét đối với các tỉnh trên cả nước, đặc biệt đối với các tỉnh có nhiều sét như Hà Giang, Quảng Ninh.

Nhật Bản tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cảnh báo sớm mưa, lũ

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục tích cực hợp tác hỗ trợ Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao năng lực công nghệ dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ.

Hội thảo “Sử dụng thông tin khí tượng thủy văn cho công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổng cục Khí tượng thủy văn thực hiện.

Hội thảo “Sử dụng thông tin khí tượng thủy văn cho công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam”

Dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ” được triển khai từ năm 2018 tới năm 2023 và đây là hội thảo cuối cùng được tổ chức trong khuôn khổ dự án. Sau 5 năm triển khai, dự án đã và đang góp phần chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản cho Việt Nam trong bảo trì, hiệu chỉnh thiết bị quan trắc khí tượng; phân tích dữ liệu, quản lý chất lượng ra-đa thời tiết; giám sát và dự báo mưa lớn, bão lớn; nâng cao chất lượng, nội dung, khả năng tiếp cận dự báo thời tiết.

Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục cùng với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tích cực hợp tác hỗ trợ Tổng cục Khí tượng thủy văn nâng cao năng lực công nghệ dự báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành khí tượng thủy văn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Kêu gọi các nước phát triển đóng góp hỗ trợ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Tại hội nghị được tổ chức ở thành phố Bonn (Đức) mới đây, các nước phát triển đã cam kết chi 9,3 tỷ USD để giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Cụ thể, cam kết giúp bổ sung vào Quỹ Khí hậu xanh, được thành lập vào năm 2010, với vai trò là phương tiện tài trợ cho các nước đang phát triển. Đây là quỹ lớn nhất nhằm cung cấp tiền để giúp các quốc gia nghèo hơn đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch bằng cách giảm lượng khí thải.

Kêu gọi các nước phát triển đóng góp hỗ trợ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu

Số tiền cam kết tại hội nghị ở Bonn sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi trong khoảng thời gian từ 2024 - 2027. Riêng Chính phủ Đức đã cam kết chi 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD); Nhật Bản sẽ đóng góp 165 tỷ yên (1,11 tỷ USD); Na Uy đề xuất khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên, không có cam kết tài trợ mới nào được đưa ra từ hai quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Đức Svenja Schulze, chủ trì hội nghị Bonn cũng đưa ra kêu gọi nhiều quốc gia đóng góp cho nỗ lực tài chính nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Việt Nga