Bản tin môi trường số 42/2022

Thứ hai, 31/10/2022 | 10:14 GMT+7
Nhân chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đến thăm Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam

Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Trần Hồng Thái đánh giá, chuyến thăm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cá nhân ông António Guterres nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung đến công tác phục vụ KTTV, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, qua đó nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng tạo động lực để ngành KTTV Việt Nam cống hiến hết mình, phát huy trí tuệ, tinh thần hợp tác, hoàn thành nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần phát triển bền vững, triển khai thiết thực, hiệu quả các hành động để đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc  António Guterres đến thăm Tổng cục Khí tượng thủy văn

Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao hệ thống cảnh báo sớm trong giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như công tác dự báo thời tiết, thủy văn của Việt Nam. Mặt khác, ông António Guteres đặc biệt lưu ý về việc đồng bằng sông Cửu Long đang phải ứng phó với hai nguy cơ là nước biển dâng và xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn. Đây là hiểm họa không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần biết.

Tổng Thư ký António Guterres hy vọng, trong thời gian tới sẽ thấy một khu vực xanh tươi, năng động với những hoạt động kinh tế, con người sống một cuộc sống thịnh vượng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi Việt Nam có thể ứng phó tốt hơn nữa với biến đổi khí hậu.

Liên Hợp Quốc công bố mức tăng nền nhiệt trái đất có thể lên đến 2,8 độ C

Ngày 27/10, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố báo cáo về mức tăng nhiệt độ trái đất, trong đó dự báo mức nhiệt có nguy cơ tăng đến 2,8 độ C vào cuối thế kỷ XXI.

Theo báo cáo của UNEP, đến nay, các cam kết bổ sung kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh COP26 đã giúp loại bỏ thêm 0,5 gigaton GtCO2e (khí thải nhà kính tương đương CO2) - ít hơn 1% so với ước tính lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030.

Nền nhiệt của trái đất được dự báo có thể tăng thêm 2,8 độ C vào cuối thế kỷ XXI

Chia sẻ về kết quả của báo cáo, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh, trong tình hình cấp bách hiện nay, sự chuyển đổi từ gốc rễ, giúp xanh hóa các nền kinh tế và xã hội là cách duy nhất giúp kiềm chế quá trình biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh chóng.

Theo đó, để mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức lý tưởng là 1,5 độ C, lượng khí thải hàng năm phải được hạn chế trong mức tương ứng 45% so với dự báo trong 8 năm, đồng nghĩa với nền kinh tế toàn cầu phải được chuyển đổi thành nền kinh tế phát thải CO2 thấp, trong điều kiện chính sách hiện hành. Việc thực hiện hóa ý tưởng này sẽ cần đến mức đầu tư từ 4.000 - 6.000 tỷ USD/năm.

Công bố trong thời điểm hiện tại, báo cáo hướng đến Hội nghị thượng đỉnh COP27, dự kiến diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6 - 18/11, để các lãnh đạo và đại diện các quốc gia trên thế giới tiếp tục thảo luận và đánh giá, đảm bảo giải pháp cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường hợp tác Việt Nam – Lào trong quản lý tài nguyên, môi trường

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ TN&MT Lào Bounkham Vorachit về quản lý tài nguyên, môi trường của hai nước trong thời gian tới.

Tại hội đàm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác song phương, hai bên đã cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Hiệp ước cũng là tiền đề để hai nước ký kết hàng loạt các văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực TN&MT.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà hội đàm cùng Bộ trưởng Bộ TN&MT Lào Bounkham Vorachit về quản lý tài nguyên, môi trường của hai nước

Đánh giá về hợp tác trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, do đó, mong rằng có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực một cách toàn diện, thực chất hơn trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo tồn thiên nhiên và quản lý ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường carbon, phát triển kinh tế tuần hoàn...

Trong khuôn khổ hội đàm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề xuất hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong cung cấp và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; nghiên cứu và xây dựng các phương án vận hành tối ưu các công trình thủy điện dòng chính, đặc biệt là quy trình vận hành liên hồ cho bậc thang thủy điện dòng chính...

Bộ trưởng Bộ TN&MT Lào nhấn mạnh, những kinh nghiệm Bộ TN&MT Việt Nam chia sẻ tại buổi hội đàm đã cung cấp nhiều thông tin có ý nghĩa với đoàn công tác của Bộ TN&MT Lào, đặc biệt là những chia sẻ về quan điểm mới trong công tác quản lý môi trường, những chính sách trong quản lý đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu...

Qua đây, Bộ trưởng Bounkham Vorachit mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà quan tâm, chỉ đạo các cơ quan của Bộ TN&MT Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Lào, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường phối hợp hơn nữa để hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đóng góp vào kết quả chung của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Gia Linh