Bản tin môi trường số 8/2021

Thứ hai, 16/8/2021 | 09:18 GMT+7
Theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều tỉnh, thành đã phê duyệt danh mục khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh…

Thiết lập khu vực hành lang bảo vệ bờ biển

Cụ thể, tại Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Quyết định số 936/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh Bình Thuận có 54 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 112,189km. Nhiều khu vực bờ biển ở Bình Thuận đã được thiết lập hành lang nhằm giảm thiểu xói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh với 54 khu vực nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu xói lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hành lang bảo vệ, chống xói lở ở bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu xói lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực, phần huyện đảo có 13 khu vực.

Tại Nghệ An, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 4/8/2021 quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng nhóm hoạt động sử dụng khu vực biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025.

Tại quyết định, UBND tỉnh Nghệ An giao mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng nhóm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đối với những hoạt động sử dụng khu vực biển chưa có quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển cụ thể theo quy định trên, UBND tỉnh xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của Sở Tài chính.

Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã ký Công văn số 4944/BTNMT-TCBHĐVN về việc công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016 - 2020, công tác quản lý và kiểm soát môi trường biển đã có nhiều nỗ lực với hàng loạt công cụ pháp lý được ban hành, đây là giai đoạn hình thành, kiện toàn hệ thống quản lý tổng hợp biển từ Trung ương đến địa phương. Chất lượng môi trường biển được duy trì khá tốt, tuy nhiên tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực cửa sông, cảng biển, môi trường nước biển còn bị ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu trên biển, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Hoạt động du lịch tại những khu du lịch ven biển là nguyên chính làm gia tăng ô nhiễm môi trường biển

Báo cáo chỉ ra rằng, phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển; mức độ chất thải và ô nhiễm gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển.

Mặt khác, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia còn đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học biển; công tác quản lý tổng hợp, thống nhất TN&MT biển hải đảo; hoạt động hợp tác quốc tế trong việc điều tra cơ bản TN&MT biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, nâng cao hoạt động bảo vệ môi trường biển Việt Nam…

Báo cáo là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực đối với công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo mà Bộ TN&MT gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan để nghiên cứu và tham khảo. Qua đó hỗ trợ tích cực, kịp thời cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam trong tình hình mới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Liên Hợp Quốc công bố báo cáo mới về biến đổi khí hậu

Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý”, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các kế hoạch hướng đến phát thải bằng không nếu chúng ta muốn trái đất ngừng nóng lên. Loại bỏ CO2 là một công cụ quan trọng nhưng sẽ chỉ hữu ích khi đi kèm với giảm phát thải nhanh và sâu.

Theo đó, báo cáo đánh giá cơ sở vật chất của biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, xem xét các vấn đề cơ bản như khí thải do con người gây ra đang dẫn đến những thay đổi cơ bản của hành tinh đối với hệ thống khí hậu. Báo cáo cũng cung cấp kiến thức về những thay đổi đã khiến con người phải chịu các tác động khí hậu đã ở mức nóng lên hiện nay cũng như đánh giá những tác động này có thể tồi tệ hơn như thế nào nếu nhiệt độ và lượng khí thải tiếp tục tăng mà không được kiểm soát.

Trái đất nóng lên do tác động của con người

Bà Christiana Figueres, cựu Thư ký Điều hành Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu nhận định: Báo cáo này là lời nhắc nhở chúng ta cần đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang một mô hình tăng trưởng xanh hơn, sạch hơn. Chúng ta có Thỏa thuận Paris, nếu tuân thủ tốt sẽ tránh được những tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó phụ thuộc vào các giải pháp được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân so với các tác động và đi đúng hướng để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Kim Bảo