Môi trường (old)

Bản tin môi trường số 9/2019

Thứ hai, 23/12/2019 | 14:21 GMT+7
Bộ Tài nguyên và Môi trường họp khẩn về tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, Hà Nội thực hiện hàng loạt giải pháp chống ô nhiễm không khí, xây dựng nhà máy tái chế rác thải đầu tiên, đầu năm 2020 sẽ có 3-5 đợt rét đậm... là những tin tức môi trường nổi bật tuần qua.

6 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là tại một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, xác định các nguyên nhân; thống nhất các giải pháp cấp bách và lâu dài để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 6 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí gồm:

Khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại thành phố Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; thành phố Hồ Chí Minh 700 nghìn ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông từ của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.

Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu  hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải.

Phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày).

Ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…) cũng đã xuất hiện các đợt ô nhiễm không khí trong thời gian qua.

Đầu năm 2020 sẽ có 3-5 đợt rét đậm

 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, rét đậm tập trung chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2/2020 với khoảng 3-5 đợt rét đậm nhưng không kéo dài.

Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5-1,5oC độ; riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tháng 01/2020 ở mức xấp xỉ trên so với TBNN.

Cũng theo cơ quan này, rét đậm tập trung chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2/2020 với khoảng 3-5 đợt rét đậm nhưng không kéo dài; trong thời gian này đề phòng khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, sẽ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm, sâu hơn và gay gắt hơn so với TBNN, trong một số thời điểm ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015-2016. Từ tháng 3-6/2020, xu thế xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Hà Nội xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn Hà Nội xuất hiện 6 đợt kéo dài không khí có chất lượng ở mức kém, xấu và rất xấu. Trong đó, cao điểm nhất là từ 8-14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến trong quý 1/2020. Sở Xây dựng, các quận huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ; đầu tư hệ thống cân, lắp camera, biển số xe... kiểm soát chặt, theo dõi hành trình các xe chở rác; nghiên cứu, lấy ý kiến về quy định che chắn công trình xây dựng; bảo đảm việc đổ phế thải xây dựng đúng quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông và các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, vứt bỏ rác thải; vận động người dân tham gia phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần. Tuyên truyền vận động, xử lý việc đốt rác, nhất là ở các huyện ngoại thành, các làng nghề, hạn chế, tiến tới không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp&PTNT chủ trì đề án nhân rộng mô hình sử dụng công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón; Sở Giao thông vận tải sớm làm việc với Bộ GTVT về vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của các loại xe, sớm có quy định về thu hồi và xử lý các xe quá hạn sử dụng; Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Các công ty thu gom rác bảo đảm việc thu gom sạch sẽ, tiết kiệm, khoa học áp dụng cơ giới hóa vào thu gom rác.

Thí điểm xây nhà máy xử lý rác thải nhựa

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng vừa ký kết hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn Mãi Mãi Xanh Labs và Công ty TNHH Evergreen Social Ventures về triển khai đầu tư, xây dựng thí điểm nhà máy tái chế rác thải nhựa tại TP.Đà Nẵng.

Theo đó, 3 công ty thống nhất hợp tác xây dựng phương án thí điểm xây dựng một nhà máy tái chế rác thải nhựa (quy mô nhỏ) sau khi hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án; đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt cho phép nghiên cứu hoạt động thí điểm trong 12 tháng và khả năng mở rộng nếu kết quả thí điểm khả quan.

Nhà máy thí điểm được đề xuất đầu tư xây dựng tại bãi rác Khánh Sơn với diện tích khoảng 300m2; thi công, lắp đặt trong 3 tháng; giai đoạn thí điểm sẽ đầu tư 100.000 USD với công suất tối đa khoảng 150 tấn/tháng.

Nhà máy tái chế rác thải nhựa thí điểm sử dụng công nghệ nung chảy trong lò kín các loại rác thải nhựa không còn khả năng tái chế (bao nilon, nhựa) thành các sản phẩm có giá trị thay thế vật liệu gỗ như: bàn, ghế, tủ… Công nghệ tái chế không phát sinh khói thải, khí độc hại, nhưng vẫn được lắp đặt hệ thống thu và xử lý hơi, khí; nước thải được xử lý và sử dụng hồi lưu khép kín, không chảy ra môi trường…

Biến đổi khí hậu làm giảm 5,8 lần năng suất nông nghiệp

Đó là số liệu được đưa ra tại Hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu" tổ chức tại TP.HCM ngày 17/12.

Theo Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu tác động đến nông nghiệp và các ngành liên quan có thể làm giảm từ 0,7% đến 2,4% GDP của nước ta vào năm 2050. Năng suất nông nghiệp giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Cụ thể lúa giảm gần 1,5 triệu tấn, bắp gần 900.000 tấn, cà phê, khoai mì... năng suất cũng giảm từ 3,6% đến 6,6%. Với dự báo nước biển dâng 1 mét, sẽ có khoảng gần 11.000 km vuông đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Tại Việt Nam, nông nghiệp tạo ra gần 15% tổng sản phẩm quốc nội nhưng cũng đóng góp từ 19% đến 29% phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác cần thay đổi trước khi biến đổi khí hậu thay đổi chúng ta.

Huyền Châu (t/h)