Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 11/2022

Thứ hai, 28/3/2022 | 08:28 GMT+7
Để mở rộng thị trường và hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn T&T Group quyết định bắt tay hợp tác với Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Lào Phongsubthavy để phát triển các dự án NLTT tại quốc gia này.

T&T Group hợp tác phát triển năng lượng tái tạo với tập đoàn hàng đầu của Lào

Cụ thể, tại Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ/ngành, doanh nghiệp của hai nước Việt Nam - Lào diễn ra tại Thủ đô Vientiane (Lào), Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn Phongsubthavy trao biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực NLTT. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dự án NLTT tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500MW hướng tới bán điện về Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Somlath Mekakath, Giám đốc điều hành Tập đoàn Phongsubthavy trao biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dự án NLTT tại Lào

Theo đó, T&T Group sẽ phối hợp cùng Phongsubthavy để phát triển các dự án theo quy định pháp luật hiện hành của hai nước; trực tiếp tham gia vào các giai đoạn phát triển dự án như khảo sát, đánh giá, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn công nghệ, xây lắp, tư vấn… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo hiệu quả của dự án. Cũng theo thỏa thuận, T&T Group sẽ là đầu mối kết nối các nguồn vốn tài trợ cạnh tranh, ưu đãi cho các dự án NLTT thông qua tất cả các nguồn cần thiết như cơ quan tín dụng xuất khẩu, cơ quan đa phương và các ngân hàng thương mại…

Chia sẻ về hướng đi mới này, đại diện Tập đoàn T&T Group cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư phát triển công suất các nguồn điện đạt khoảng 12.000 - 15.000MW, T&T Group đã quyết định bắt tay với Phongsubthavy đầu tư các dự án năng lượng tại Lào, hướng tới bán điện sang Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh: “Việc đồng hành cùng một đối tác lớn tại Lào giúp chúng tôi có thể nắm bắt nhanh chóng các quy trình, quy định của pháp luật và chính sách năng lượng của Lào, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn các dự án khả thi và hiệu quả để nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của T&T Group trong lĩnh vực năng lượng”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, việc hợp tác giữa T&T Group và Phongsubthavy góp phần khai thác tiềm năng NLTT rất lớn của Lào, đồng thời hiện thực hóa quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai chính phủ Việt - Lào trong lĩnh vực năng lượng; qua đó củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch dự án điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với các ngành chức năng và Công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông về thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị.

Dự án điện gió ngoài khơi Intracom – Quảng Trị có quy mô công suất 1.000 MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn (bố trí trụ tuabin) 350 ha, diện tích chiếm đất tạm thời 5 ha. Công suất tuabin 6,25 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 72.000 tỷ đồng.

Một số hạng mục chính của dự án gồm: máy phát tuabin gió (WTG), hệ thống truyền tải và liên kết ngoài khơi, trạm biến áp, cáp truyền tải và cáp liên kết... Phạm vi khảo sát dự án cách 15km so với khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, cách cảng Mỹ Thủy 8 km. Qua khảo sát bước đầu, khu vực nghiên cứu dự án không chồng lấn vào vùng biển an ninh quốc phòng, không chồng chéo khu vực nuôi trồng thủy sản của ngư dân và quy hoạch cảng Mỹ Thủy.

Ảnh minh họa

Nhà đầu tư cũng đề xuất hai phương án đấu nối dự án điện gió ngoài khơi Intracom – Quảng Trị vào lưới điện quốc gia. Phương án 1, dự án đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500kV Vũng Áng đi Đà Nẵng; phương án 2 sẽ đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi... Theo đó, phương án 1 được ưu tiên lựa chọn bởi đảm bảo giải tỏa toàn bộ công suất dự án, tăng cường nguồn cung cấp điện trực tiếp cho khu vực có phụ tải lớn là trung tâm kinh tế Vũng Áng.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Đây là dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, qua đó đánh giá cao quyết tâm của nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu.

Ông Hà Sỹ Đồng đề nghị các ngành chức năng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư lập quy hoạch dự án, bên cạnh hiệu quả về kinh tế phải đảm bảo các quy định pháp luật về: tuyến đường thủy nội địa, quy hoạch biển đảo, môi trường sinh thái, ngư trường, đời sống ngư dân...

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các Sở, ban ngành liên quan về quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án, đảm bảo đúng quy định. Đồng thời giao Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan, dự thảo UBND tỉnh văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII trong thời gian sớm nhất.

Mở rộng các giải pháp năng lượng sạch giúp EU tăng cường an ninh năng lượng

Một phân tích mới từ các tổ chức Ember, E3G, RAP và Bellona nhấn mạnh cơ hội của EU để bắt kịp nhanh chóng và mở rộng các giải pháp năng lượng sạch nhằm tăng cường an ninh năng lượng vào năm 2025.

Theo đó, các giải pháp năng lượng sạch có thể thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2025. Nhập khẩu khí đốt của Nga có thể được cắt giảm 66% bằng cách triển khai chương trình “Fit for 55” (Giảm phát thải 55% cho tới năm 2030) của EU cũng như đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, tiết kiệm năng lượng và điện khí hóa. Con số này tương đương với việc cắt giảm 101 tỷ mét khối khí tự nhiên. Hiện nay, cần phải có một sự cải tiến khẩn cấp trong chính sách để đạt được tiến độ triển khai cần thiết.

Một điểm đáng chú ý nữa là không cần có thêm các cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới. An ninh nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga không đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới trong EU như các kho cảng LNG. Chỉ cần sử dụng 51 tỷ mét khối khí đốt từ nguồn thay thế được nhập khẩu thông qua cơ sở hạ tầng hiện có là đủ.

Đặc biệt, các biện pháp trên sẽ cho phép EU đạt được mức giảm nhu cầu khí đốt cần thiết mà không làm chậm lại việc cắt giảm sản xuất điện từ than đá.

Việc mở rộng các giải pháp năng lượng sạch sẽ giúp EU tăng cường an ninh năng lượng

Tại phiên họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 24 và 25/3, các nước thành viên EU cùng thảo luận về phản ứng của châu Âu đối với việc Nga tấn công Ukraina bao gồm cả những tác động đối với lĩnh vực năng lượng của EU. Cuộc họp này diễn ra theo đề xuất của kế hoạch hành động chung châu Âu vì nguồn năng lượng có thể tiếp cận được, đảm bảo và bền vững (REPowerEU) của Ủy ban châu Âu nhằm giảm lượng tiêu thụ khí đốt của Nga.

Ủy ban châu Âu gần đây đã thông báo rằng họ có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027 (thông tin chi tiết sẽ được công bố vào tháng 5). 

Nhà phân tích cấp cao về khí hậu và năng lượng Sarah Brown từ tổ chức Ember chia sẻ: “Năng lượng tái tạo tự sản xuất tạo ra một lối thoát để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào khí đốt của Nga ở châu Âu. EU có thể tự ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2025, nhanh hơn so với mục tiêu mà REPowerEU công bố gần đây là năm 2027. 

EU có thể thực hiện điều này mà không làm chậm lại việc cắt giảm điện than hoặc thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng một loại nhiên liệu khác thông qua việc triển khai nhanh chóng các giải pháp năng lượng sạch. Cần phải có hành động ngay lập tức và cam kết lớn trên toàn EU để đạt được cả mục tiêu hiện tại về năng lượng tái tạo của "Fit for 55" cũng như đẩy mạnh việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời cần thiết”.

Ngân Hà