Đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổ kế thừa, phát triển những quy định hợp lý, có tính nguyên tắc của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, tập trung vào 4 chính sách:
Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.
Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân.
Tăng cường quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; chủ động và sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Ảnh minh họa
Mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Luật mới sẽ góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Về phạm vi điều chỉnh, luật quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó. Luật được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là bổ sung quy định về Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phù hợp với yêu cầu xây dựng quy hoạch phát triển trong giai đoạn mới.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội khóa XV.
Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân
Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tiếp và làm việc với bà Ann K. Ganzer, quyền Trợ lý Ngoại trưởng thường trực (PDAS), Cục An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí (ISN), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, hợp tác trong các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý như năng lượng và thương mại có nhiều chuyển biến tích cực. Hai bên đang tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)
Bà Ann K. Ganzer đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt năm 2025 là năm đánh dấu 30 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đây là cơ hội để hai bên tiếp tục đưa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại phát triển lên tầm cao mới.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân, trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như với các quốc gia có nền công nghiệp hạt nhân phát triển, trong đó có Hoa Kỳ. Việt Nam rất quan tâm đến việc hợp tác về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và huy động tài chính phục vụ cho phát triển năng lượng hạt nhân trong tương lai.
Trong buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các chương trình hợp tác và nội dung chuyên môn liên quan. Các đơn vị chức năng của hai nước sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chung, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân.
Vingroup đề xuất triển khai loạt dự án điện tái tạo, điện khí LNG
Tập đoàn Vingroup vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo. Vingroup cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại thông báo số 63 ngày 26/2 của Văn phòng Chính phủ, tập đoàn đã khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với các địa phương và Bộ Công Thương đề xuất các dự án điện bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Theo đó, tập đoàn này đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW giai đoạn 2025 - 2035. Số dự án điện tái tạo này dự kiến được triển khai tại 7 địa phương là Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa.
Trong đó, riêng tổng công suất đến năm 2030 là 20.500 MW, mức đầu tư 20 - 25 tỷ USD. Phần còn lại 27.000 MW sẽ đầu tư trong giai đoạn 2031 - 2035 theo đúng tiến độ được duyệt, đảm bảo chất lượng công trình với tiêu chuẩn cao nhất.

Vingroup đề xuất triển khai loạt dự án điện tái tạo, điện khí LNG
Bên cạnh đó, tập đoàn này đề nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG công suất 5.000 MW tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Nếu được bổ sung vào quy hoạch, nhà máy dự kiến được đầu tư, xây dựng trong 5 năm (2025 - 2030) với tổng vốn khoảng 5,5 tỷ USD.
Theo Vingroup, những dự án do tập đoàn đề xuất đã căn cứ các tiêu chí theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả dự án, phù hợp với phân bổ công suất nguồn điện của Bộ Công Thương, Vingroup đã nghiên cứu thêm một số tiêu chí lựa chọn như: các tỉnh còn có tiềm năng quỹ đất, khả năng đấu nối và gần trung tâm phụ tải lớn để xây dựng dự án có công suất lớn, trở thành các trung tâm năng lượng quốc gia (>5.000 MW); tiềm năng về gió và bức xạ tốt; lựa chọn loại hình công nghệ và vị trí để tối ưu về thời gian phát triển dự án, hiệu suất sản xuất điện và hiệu quả tài chính.