Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Theo đó, mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.
Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, nguồn điện hạt nhân. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc Top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc Top 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Thủ tướng đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 197 - 199 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực.
Trong quá trình điều hành Quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình phát triển các loại hình nguồn điện để kịp thời kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và chương trình phát triển điện lực cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế.
Phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối năm 2025
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 1008/QĐ-BCT ngày 14/4/2025 phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối năm 2025.
Theo quyết định, khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho nhà máy điện sinh khối quy định tại điểm a, khoản 2 điều 1 thông tư số 09/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự thủ tục, phương pháp xác định, phê duyệt khung giá phát điện; hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện được quy định như sau:
Khung giá phát điện cho nhà máy điện sinh khối năm 2025 là: 0 - 2.091,74 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá tối đa là 2.091,74 đồng/kWh.

Giá phát điện tối đa cho nhà máy điện sinh khối là 2.091,74 đồng/kWh
Về tổ chức thực hiện, căn cứ khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối quy định tại quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Khung giá phát điện nhà máy điện sinh khối năm 2025 tại quyết định này được áp dụng kể từ ngày các quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 5/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg hết hiệu lực.
Công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP Việt Nam), Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Đức Cường, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net Zero tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Nguồn năng lượng này sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Tuy nhiên, các thiên tai có nguồn gốc từ biển cũng hoạt động hết sức phức tạp, có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tính ổn định của việc vận hành và khai thác nguồn năng năng lượng tái tạo này. Chính vì vậy, việc đánh giá khách quan tiềm năng năng lượng gió biển, có xét đến tác động, rủi ro từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên cần thiết và có ý nghĩa.

Công bố báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Sau gần 2 năm thực hiện, báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thực hiện, với sự hỗ trợ của UNDP và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam là cơ sở khoa học quan trọng góp phần hiện thực hóa chiến lược đó.
Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện, cập nhật và có độ phân giải cao về tiềm năng tài nguyên gió biển của Việt Nam – một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực.
Báo cáo đã đưa ra một bộ dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ về khí hậu gió biển Việt Nam trong 30 năm (1991 – 2020), phục vụ việc xác định tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió ngoài khơi tại các vùng biển ven bờ (tới 6 hải lý) và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ quy hoạch, đầu tư và phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo.
Báo cáo gồm các nội dung chính: tổng quan về chính sách và xu thế phát triển điện gió ngoài khơi; mô tả chi tiết về dữ liệu và mô hình được sử dụng (bao gồm WRF, dữ liệu quan trắc, vệ tinh và tái phân tích); kết quả phân tích mật độ năng lượng gió và tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi; bộ Atlas năng lượng gió biển Việt Nam, bao gồm bản đồ phân bố tốc độ gió, mật độ năng lượng và công suất kỹ thuật.
Báo cáo cũng phân tích chi tiết biến động theo tháng và mùa trong năm nhằm xác định giai đoạn khai thác tối ưu; đánh giá ảnh hưởng của thiên tai khí tượng - hải văn tới phát triển điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị cụ thể cho các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan.