Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 17/2023

Thứ hai, 1/5/2023 | 08:00 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản giao Công ty Mua bán điện (EPTC) khẩn trương làm việc với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để đàm phán giá.

Khẩn trương đàm phán giá điện với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Sau khi EVN nhận được văn bản số 465/ĐTĐL-GP ngày 19/4/2023 của Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương liên quan đến đề xuất mức giá tạm thời của một số chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 26/4, EVN có văn bản giao Công ty Mua bán điện (EPTC) khẩn trương làm việc với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để thực hiện các công việc.

Cụ thể, đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện mà kết quả rà soát giá điện >50% giá trần của khung giá phát điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương nhưng chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất áp dụng mức giá tạm thời ≤ 50% giá trần của khung giá phát điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất mức giá tạm thời cho đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức, không thực hiện hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.

Ảnh minh họa

Rà soát và ký biên bản với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chi tiết các văn bản, thủ tục pháp lý còn thiếu so với yêu cầu của Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 cũng như dự kiến thời gian chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục trên, đồng thời bổ sung điều khoản về hoàn thiện các thủ tục pháp lý là điều kiện để hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

Đồng thời, EPTC tiếp tục khẩn trương thực hiện đàm phán giá điện chính thức của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp theo các chỉ đạo của Bộ Công Thương và của Tập đoàn.

EVN yêu cầu EPTC khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 5/5/2023 để EVN báo cáo Hội đồng thành viên và Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo.

Đề xuất kế hoạch hành động tái chế chất thải tấm quang năng

Tổ chức GIZ đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu “Phân tích khung chính sách và đề xuất kế hoạch hành động tái chế chất thải tấm quang năng tại Việt Nam” trong khuôn khổ dự án “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS).

Dự án CIRTS do GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương cùng thực hiện; được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ.

Nghiên cứu đã trình bày về các thông lệ quốc tế (cụ thể là châu Âu) trong quản lý chất thải tấm quang năng, đánh giá khung pháp lý đối với các dự báo dòng chất thải mô-đun quang năng tại Việt Nam, cũng như phân tích và đề xuất các khuyến nghị về khung pháp lý của Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu đã đưa ra 16 khuyến nghị xác định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với mô-đun quang năng và 12 khuyến nghị để cải thiện quy định EPR ở Việt Nam.

Tái chế chất thải tấm quang năng nhằm góp phần bảo vệ môi trường

Theo nghiên cứu, trong những năm gần đây, công suất điện mặt trời tại Việt Nam đã chiếm một tỷ lệ khá cao trong tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt 16,6 GW. Dự kiến trong thời gian tới, điện mặt trời sẽ tiếp tục phát triển (nhưng với tốc độ chậm hơn) nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là cần chuẩn bị và xây dựng các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu quản lý chất thải liên quan đến các nhà máy/hệ thống điện mặt trời, cụ thể là các mô-đun quang năng. Việt Nam đã thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này với việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022), trong đó quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với các mô-đun quang năng.

Do vậy, các khuyến nghị trong nghiên cứu sẽ là cơ sở để tham vấn rộng rãi với các bên liên quan và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý.

EVNGENCO1 cùng đối tác Nhật Bản phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Mới đây, tại Hà Nội, đại diện Công ty TEPCO Renewable Power (TEPCO RP) bàn giao biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký giữa Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và TEPCO RP.

Tổng công ty Phát điện 1 đã và đang nỗ lực tìm kiếm, triển khai các dự án năng lượng tái tạo với mong muốn mở rộng các lĩnh vực đầu tư, phát triển Tổng công ty ngang tầm khu vực. TEPCO RP là một công ty chuyên về năng lượng tái tạo của Nhật Bản, đang quan tâm góp vốn vào các công ty năng lượng Việt Nam, đặc biệt luôn coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng trong chiến lược kinh doanh tại nước ngoài.

Đại diện Tổng công ty Phát điện 1 và đại diện Công ty TEPCO RP tại buổi bàn giao biên bản ghi nhớ

Nhu cầu và mục đích của hai bên đã được hiện thực hóa bằng biên bản ghi nhớ ký ngày 1/4/2023 với các lĩnh vực hợp tác bao gồm: tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam dưới hình thức tham gia đầu tư vào các dự án; mở rộng các lĩnh vực đầu tư hiện hữu của EVNGENCO1; phát triển Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam (VNPD - Công ty CP liên kết với EVNGENCO1) bằng cách triển khai hiệu quả các dự án do VNPD sở hữu cũng như phát triển các dự án mới của VNPD. Một số lĩnh vực liên quan như hợp tác kỹ thuật, quản trị, đào tạo cũng nằm trong nội dung thỏa thuận hợp tác giữa EVNGENCO1 và TEPCO RP.

Thỏa thuận hợp tác này đánh dấu một bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các lĩnh vực liên quan. 

Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác này sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển các dự án năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng của EVNGENCO1, góp phần cùng EVNGENCO1 và VNPD phát triển ngày càng lớn mạnh, đưa EVNGENCO1 trở thành một trong những tổng công ty phát điện hàng đầu khu vực.

Ngân Hà