Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 29/2023

Thứ hai, 31/7/2023 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia tầm nhìn đến năm 2050

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực.

Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Cụ thể, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050. Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 - 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050…

Quy hoạch đặt ra 6 giải pháp thực hiện bao gồm: giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng tham gia vào những dự án chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa tiếp và trao đổi với ông Maeda Tadashi, cố vấn đặc biệt Nội các Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng JBIC.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò của Nhật Bản khi tổ chức thành công Hội nghị Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC). Phó Thủ tướng trao đổi với ông Maeda Tadashi về các sáng kiến, đề xuất để thực hiện cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) cũng như lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Maeda Tadashi, cố vấn đặc biệt Nội các Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng JBIC. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng thông tin về việc Việt Nam đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP, các nhóm công tác chuyên ngành về chính sách đầu tư, hoàn thiện pháp luật, thực hiện chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực điện năng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp…; lựa chọn các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án thí điểm quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam hết sức quan tâm đến nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất, vận chuyển, sử dụng các loại nhiên liệu mới như hydro xanh, amoniac xanh; thu hồi, chôn lấp carbon tại nhà máy nhiệt điện; bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện khi tăng tỉ lệ sử dụng điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có cơ chế tiếp cận thuận lợi những nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng cho rằng, AZEC, JETP là vấn đề mới, hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để mở ra không gian phát triển mới.

Trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Maeda Tadashi khẳng định cam kết của Chính phủ Nhật Bản trong thúc đẩy sáng kiến AZEC; mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lộ trình thực hiện JETP, Net Zero phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Maeda Tadashi cho rằng, những giải pháp, nội dung được nêu trong AZEC, JETP, Net Zero có tính chất hỗ trợ lẫn nhau về cơ chế tài chính, công nghệ, phương thức quản trị… nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy nhiệt điện kết hợp thu hồi, chôn lấp carbon; thay thế nhiên liệu hóa thạch (than, dầu) bằng nhiên liệu sạch hơn như khí đốt hóa lỏng, hydro xanh, amoniac xanh; phát triển năng lượng tái tạo, sinh khối, điện hạt nhân; xây dựng hệ thống truyền tải năng lượng thông minh… Các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản sẵn sàng tham gia tích cực vào những dự án chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Trong buổi tiếp ông Steven Winn, Giám đốc Chiến lược toàn cầu kiêm Giám đốc Điều hành cấp cao Tập đoàn năng lượng JERA (Nhật Bản) mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao việc các tập đoàn lớn của Nhật Bản, trong đó có JERA, đã chủ động nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch nhằm góp phần thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam, cũng như thực hiện sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) của Nhật Bản.

Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp năng lượng Nhật Bản và Việt Nam hợp tác chặt chẽ trong triển khai những dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII, trên tinh thần "chuyển giao công nghệ để cùng phát triển và chia sẻ lợi nhuận".

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng gợi mở: Với quyết tâm của mình, JERA có thể tham gia dự án năng lượng thí điểm theo sáng kiến AZEC tại Việt Nam. Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để JERA triển khai, qua đó, tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, công nghệ, phương thức  quản trị… đồng thời, tận dụng mọi cơ chế để giá thành nằm trong khả năng chi trả của người dùng Việt Nam.

Ông Steven Winn cho biết, JERA đang vận hành các dự án nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời tại Nhật Bản, châu Âu, châu Á. Với kinh nghiệm có được, JERA đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí tự nhiên hóa lỏng với công nghệ tiên tiến nhất.

Bên cạnh đó, JERA mong muốn được tham gia quá trình chuyển đổi nhà máy điện than sang điện khí tự nhiên hóa lỏng có phối trộn thêm các loại nhiên liệu mới như hydro xanh, amoniac xanh, sinh khối, kết hợp thu hồi, chôn lấp carbon… tại Việt Nam.

Ngân Hà