Bản tin năng lượng số 33/2024

Thứ hai, 9/9/2024 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 5/9/2024 thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật có liên quan.

Thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện

Theo quyết định, tổ trưởng Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Tổ trưởng Tổ công tác gồm: Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An và Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tổ công tác, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Tổ công tác, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.

Rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện

Tổ công tác có trách nhiệm rà soát các vướng mắc về pháp lý phát sinh trong triển khai các dự án điện, chỉ đạo, phối hợp với Ban soạn thảo để tổng hợp, hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), bảo đảm chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 năm 2024 theo quy trình một kỳ họp; đề xuất Bộ Công Thương có văn bản, tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bổ sung vào dự án một Luật sửa nhiều Luật đối với những nội dung liên quan trong triển khai các dự án điện; bảo đảm các dự án luật có chất lượng tốt nhất, khả thi, sau khi các luật được ban hành tạo thuận lợi triển khai các dự án điện theo quy hoạch, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổ công tác trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn để chỉ đạo theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền Phó Thủ tướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác được huy động lực lượng tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao để nghiên cứu, soạn thảo, sửa đổi các nội dung của Luật Điện lực bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của ngành trong tương lai.

Bộ Công Thương triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Quyết định 2350/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo quyết định, Bộ Công Thương giao đầu mối thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đơn vị đầu mối thực hiện một số nhiệm vụ như: hoàn thiện cập nhật, bổ sung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo; nội dung về đầu tư xây dựng, quy hoạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, các quy định chung; xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi; nghiên cứu xây dựng và trình ban hành QCVN về điện gió ngoài khơi…

Bộ Công Thương triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch điện VIII. (Ảnh minh họa)

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững làm đầu mối triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như: sửa đổi các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế; ban hành chế tài và các tiêu chuẩn, quy định bắt buộc về sử dụng hiệu quả năng lượng; khuyến khích đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm toán năng lượng; đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng…

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chủ trì một số nhiệm vụ như: Đề án thí điểm chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện khí sang sử dụng hydrogen; Đề án thí điểm chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac/sinh khối…

Bộ Công Thương còn giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc để thực hiện Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của Bộ về các nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VIII báo cáo Thủ tướng theo định kỳ 6 tháng hoặc 12 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ trao Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 với tổng mức đầu tư là hơn 48.000 tỷ đồng, công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than.

Thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II được điều chỉnh chuyển đổi sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí LNG. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai điều chỉnh dự án để phù hợp với Quy hoạch điện VIII. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đã được các Bộ, ngành trung ương và các sở, ngành địa phương thẩm định cho ý kiến; UBND tỉnh Quảng Bình và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương điều chỉnh đầu tư dự án.

Việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 với những nội dung như: điều chỉnh tên dự án từ Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II thành Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình (bên phải) trao quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II cho lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Mục tiêu của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an toàn cung cấp điện cho hệ thống, đáp ứng yêu cầu theo Quy hoạch điện VIII nhằm giảm thiểu phát thải các chất độc hại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Quy mô dự án được điều chỉnh từ công suất 1.200 MW thành công suất 1.500 MW (công suất chính xác của nhà máy sẽ được xác định cụ thể phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án).

Tổng mức đầu tư được phê duyệt mới là 52.000 tỷ đồng. Điều chỉnh công nghệ áp dụng từ công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp. Các nội dung còn lại thực hiện theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II từ điện than sang điện khí nhằm giảm dần năng lượng hóa thạch, hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang ngành năng lượng sạch, thân thiện môi trường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngân Hà