Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 4/2025

Thứ hai, 27/1/2025 | 09:00 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam luôn coi Na Uy là đối tác quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Việt Nam và Na Uy tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi năng lượng

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long làm việc với bà Aslaug Sem-Jacobsen, Phó Chủ nhiệm thứ hai Ủy ban Thường trực về Gia đình và Văn hóa, Đảng Trung ương Na Uy, cùng đoàn đại biểu Quốc hội nước này.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh sự quan tâm của các nhà đầu tư Na Uy trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là một trong những chủ để chính của buổi gặp mà hai bên cùng quan tâm.

Việt Nam và Na Uy tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi năng lượng. (Ảnh minh họa)

Hai bên đã trao đổi về cơ hội thương mại và đầu tư song phương, trong đó tập trung vào các lĩnh vực kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam luôn coi Na Uy là đối tác quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Bộ Công Thương được giao làm đơn vị đầu mối triển khai các cam kết quốc tế về chuyển đổi năng lượng JETP cùng nhóm các nước G7. Bộ đã thành lập các Nhóm công tác kỹ thuật tập trung vào những nội dung ưu tiên hỗ trợ theo tiêu chí JETP bao gồm: phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, lưới điện truyền tải, pin lưu trữ, năng lượng thủy điện tích năng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tính linh hoạt của điện than và chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than. Do đó, Thứ trưởng mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân toàn cầu, trong đó có Na Uy tham gia tích cực vào việc phát triển những dự án trong khuôn khổ JETP.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Việt Nam luôn coi Na Uy là đối tác quan trọng và tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Na Uy, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ trưởng cũng chia sẻ về những ưu tiên của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các nước đối tác, trong đó có Na Uy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và tiết kiệm năng lượng. Thứ trưởng đánh giá cao kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời mong muốn hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Bà Aslaug Sem-Jacobsen khẳng định Na Uy sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững. Bà cũng cho biết, Quốc hội Na Uy sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Đóng điện dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

Ngày 23/1, dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) đã được đóng điện thành công. Đây là dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, phục vụ nhập khẩu điện từ Nhà máy điện gió Monsoon (thuộc Lào) về Việt Nam, bổ sung nguồn điện 600MW cho hệ thống điện quốc gia trong giai đoạn 2024 - 2025.

Dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ được đóng điện thành công

Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án điện 2 (EVNPMB2) được giao làm đại diện chủ đầu tư.

Phần công trình nằm trên lãnh thổ Việt Nam được xây dựng trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với chiều dài khoảng 44,71 km, tổng mức đầu tư công trình là hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là công trình đường dây mạch kép, nối từ cụm Nhà máy điện gió Monsoon (thuộc Lào) đến trạm biến áp 500kV Thạnh Mỹ thuộc tỉnh Quảng Nam. Dự án được khởi công ngày 30/9/2023.

Công trình đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ có khả năng truyền tải công suất tối đa lên tới khoảng 2.500MW, góp phần nâng cao khả năng vận hành của hệ thống điện quốc gia thông qua nhập khẩu điện từ phía Lào. Trước mắt, trong thời gian tới, sau khi dự án Nhà máy điện gió Monsoon (phía bên Lào) hoàn thành, dự án đường dây này sẽ tiếp nhận nguồn điện nhập khẩu từ Lào với công suất 600MW, sản lượng điện dự kiến bình quân hàng năm đón nhận khoảng 1,7 tỷ kWh.

Thành lập Ban chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân

UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 17/1/2025 về thành lập Ban chỉ đạo tỉnh và Tổ giúp Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng có quyết định 106/QĐ-UBND ngày 23/1/2025 về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, Ban chỉ đạo do ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận làm Trưởng ban; ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận làm Phó Trưởng ban Thường trực; Giám đốc Sở Công Thương làm Phó Trưởng ban cùng các thành viên và tổ giúp việc.

Ảnh minh họa

Ban chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đề cao trách nhiệm của Trưởng ban. Trưởng ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề Ban chỉ đạo tỉnh. Phó Trưởng ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban; các thành viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm thực hiện công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ban chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng/lần và họp bất thường theo quyết định của Trưởng ban. Ngoài việc họp trực tiếp, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo có thể lấy ý kiến bằng văn bản của thành viên Ban chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định.

Nội dung cuộc họp định kỳ tập trung đánh giá tình hình thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của tỉnh; đề xuất, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện; báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban chỉ đạo.

Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ từng thời điểm, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo có thể đề xuất mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị liên quan tham dự, báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo…

Ngân Hà