Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 48/2024

Thứ hai, 30/12/2024 | 08:00 GMT+7
Nhóm công tác thúc đẩy AZEC được triển khai với vai trò là đầu mối tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công – tư Nhật Bản nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cùng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ITO Naoki đồng chủ trì phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) và kế hoạch triển khai Nhóm công tác thúc đẩy AZEC.

Nhóm công tác thúc đẩy AZEC do Bộ Công Thương chủ trì nằm trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được bắt đầu triển khai vào tháng 3 năm 2024. Nhóm công tác thúc đẩy AZEC được triển khai với vai trò là đầu mối tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công – tư Nhật Bản nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Tháng 9/2023, Bộ Công Thương thống nhất với phía Nhật Bản thành lập Nhóm công tác thúc đẩy AZEC với các tiểu nhóm bao gồm: tiểu nhóm 1: chuyển đổi năng lượng/chuyển đổi xanh tại các nhà máy phát điện; tiểu nhóm 2: sản xuất điện năng lượng tái tạo; tiểu nhóm 3: hệ thống điện, thị trường điện.

Thời gian qua, hai bên đã nhanh chóng phối hợp, triển khai các công việc liên quan để kịp thời đẩy nhanh hoạt động trong khuôn khổ Nhóm công tác một cách thực chất, hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: moit.gov.vn)

Tại phiên họp, hai bên đã nghe các trưởng tiểu nhóm công tác Việt Nam – Nhật Bản báo cáo kết quả triển khai trong thời gian qua, trong có bảng kế hoạch hành động của các tiểu nhóm công tác giai đoạn ngắn và trung hạn.

Hai bên cùng ghi nhận nỗ lực của các thành viên Nhóm công tác trong việc rà soát và đề xuất danh mục dự án ưu tiên triển khai. Theo đó, phía Nhật Bản đề xuất danh mục 82 dự án, phía Việt Nam đề xuất danh mục 29 dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ ITO Naoki giao nhiệm vụ cho thành viên hai bên trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình hợp tác và sàng lọc những dự án khả thi, tiêu biểu ưu tiên triển khai ngay, đặc biệt là thông qua triển khai Nền tảng thúc đẩy dự án PAP do Nhật Bản đề xuất. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng chỉ đạo phía Việt Nam tiếp tục kiện toàn, mở rộng thành viên Nhóm công tác đảm bảo đủ thành phần, hiệu quả và thiết thực.

Đề xuất quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió.

Theo dự thảo Nghị định, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió được xác định gồm: hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm hoặc cáp điện trên không từ cột tháp gió đến trạm biến áp, hành lang bảo vệ an toàn trạm biến áp và hành lang bảo vệ đường dây truyền tải, phân phối của công trình điện gió đến điểm đấu nối.

Đối với công trình điện gió trên đất liền hoặc gần bờ, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là nửa hình cầu có tâm là tâm của chân cột tháp gió, bán kính bằng khoảng cách tối đa từ tâm của chân cột tháp đến mép ngoài cùng cánh quạt tuabin.

Ảnh minh họa

Đối với công trình điện gió ngoài khơi, hành lang bảo vệ an toàn cột tháp gió là vùng xung quanh cột tháp gió có phạm vi 500 mét tính từ điểm nhô ra xa nhất của cột tháp gió nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.

Không thiết lập vành đai an toàn xung quanh công trình điện gió trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Chủ đầu tư công trình điện gió trên biển phải có trách nhiệm thiết lập, duy trì hệ thống quản lý an toàn bảo đảm kiểm soát các rủi ro trong toàn bộ hoạt động của công trình điện gió trên biển, thiết lập các đăng tiêu và thực hiện thông báo hàng hải theo quy định pháp luật về hàng hải để cảnh báo cho các tàu thuyền hoạt động gần khu vực biết.

Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá truyền tải điện năm 2024

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định 3420/QĐ-BCT ngày 20/12/2024 về giá truyền tải điện năm 2024. Theo quyết định, giá truyền tải điện năm 2024 là 83,07 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Căn cứ giá truyền tải điện quy định tại điều 1 quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty Mua bán điện và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện giá truyền tải điện theo quy định tại thông tư số 02/2017/TT-BCT, thông tư số 14/2022/TT-BCT và các quy định pháp luật có liên quan.

Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chịu trách nhiệm toàn diện đối với tính hợp pháp, việc tuân thủ đúng quy định pháp luật liên quan đến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Trường hợp các cấp có thẩm quyền có ý kiến khác liên quan đến đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật lại số liệu và tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

Thời gian áp dụng giá truyền tải điện tại điều 1 quyết định này là từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Ngân Hà