Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 43/2023

Thứ hai, 6/11/2023 | 08:00 GMT+7
Ngày 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen có cuộc hội đàm trực tuyến, thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược xanh giữa hai nước.

Việt Nam và Đan Mạch thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược xanh

Đối tác Chiến lược xanh được xây dựng trên thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác chính trị, mở rộng quan hệ kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm, tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đưa ra giải pháp về chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu; với trọng tâm hiện thực hóa những cam kết của Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch. (Ảnh minh họa)

Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính để hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế ít carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Với Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia được phê duyệt, Quy hoạch điện VIII và quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG), Việt Nam sẽ thực hiện các bước quan trọng để giảm carbon trong ngành năng lượng và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của an ninh năng lượng và chi phí năng lượng hợp lý đối với xã hội và người dân Việt Nam.

Hai bên hoan nghênh các kết quả đã đạt được của Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam giai đoạn II và nhất trí tiếp tục duy trì Chương trình đối tác năng lượng, trong đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như mô hình hóa hệ thống năng lượng, kịch bản giảm phát thải, phát triển điện gió ngoài khơi, mở rộng và tích hợp năng lượng tái tạo, xây dựng các tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng và công nghệ.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác xây dựng và xuất bản báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam. Các báo cáo này có thể được xem là nền tảng kỹ thuật quan trọng trong việc thiết kế chính sách nhằm củng cố mục tiêu của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và giảm dần than đá.

Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm thiết lập và vận hành thị trường carbon, hỗ trợ tiếp cận kiến thức liên quan đến thu giữ và lưu trữ carbon dựa trên sinh khối (CCS) nếu được coi là phù hợp theo các khuyến nghị trong báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam nhằm góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường chia sẻ kiến thức chuyên môn trong việc thiết kế, triển khai các chính sách và công cụ kỹ thuật cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Để đạt được mục tiêu này, các cuộc tham vấn chuyên gia kỹ thuật, đối thoại chính sách và trao đổi các chuyến thăm của phái đoàn các cấp sẽ được tổ chức…

Đào tạo vận hành hệ thống năng lượng trong bối cảnh năng lượng tái tạo gia tăng

Mới đây, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức chương trình đào tạo Vận hành hệ thống năng lượng trong bối cảnh năng lượng tái tạo gia tăng.

Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác giữa EVN và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về nâng cao năng lực hướng đến chuyển dịch năng lượng công bằng. Diễn ra trong hai ngày (ngày 1 - 2/11), chương trình đào tạo tập trung vào các nội dung: nâng cao năng lực của cán bộ, thiết lập cơ cấu tổ chức và kỹ năng cần thiết để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; sự ra đời của đơn vị Vận hành tương lai (FSO) và quá trình tư nhân hóa tại Vương quốc Anh; lưới điện xuyên biên giới ở châu Âu; hệ thống vận hành của Văn phòng thị trường khí đốt và điện của Vương quốc Anh; đầu tư vào lưới điện cho điện gió ngoài khơi châu Âu…

Vận hành hiệu quả hệ thống trong bối cảnh năng lượng tái tạo tăng cao

Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew chia sẻ với những thách thức mà Việt Nam đang đối diện khi đồng thời thực hiện cam kết về Net-Zero tại COP26, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước. Đại sứ khẳng định, Vương quốc Anh đi đầu trên thế giới về năng lượng carbon thấp và sẽ chia sẻ những kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Theo Đại sứ Iain Frew, chương trình đào tạo Vận hành hệ thống năng lượng trong bối cảnh năng lượng tái tạo gia tăng là một trong những hoạt động làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (1973 - 2023).

Sớm ký kết biên bản hợp tác về chuyển dịch năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng diễn ra tại Hà Nội vào ngày 3/11/2023 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Nishimura Yasutoshi.

Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng khẳng định phương hướng hợp tác song phương thời gian tới trong từng lĩnh vực. Trong đó, về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi hoan nghênh việc Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với việc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết tham gia Ðối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Đánh giá cao Sáng kiến cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) được khởi xướng bởi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ vui mừng khi cuộc họp khởi động Nhóm công tác xúc tiến AZEC đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 vừa qua, đồng thời khẳng định Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ với Bộ METI để Hội nghị cấp cao AZEC được tổ chức thành công tại Nhật Bản trong tháng 12 tới.

Hai Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của hai Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đề nghị thúc đẩy sớm ký kết biên bản hợp tác về chuyển dịch năng lượng, nhằm hỗ trợ cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam

Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai một số dự án năng lượng có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng về đốt trộn sinh khối, điện gió ngoài khơi, đất hiếm...

Nhằm mục đích kêu gọi mở rộng đầu tư từ Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, hướng tới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Ngân Hà