Năng lượng sạch

Bản tin năng lượng số 44/2020

Thứ hai, 9/11/2020 | 09:06 GMT+7
Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư vừa chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 hòa lưới điện quốc gia

Theo đó, vào lúc 10g30p ngày 5/11, dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 có công suất 49MWp chính thức hòa lưới điện quốc gia. Theo thiết kế, nhà máy sẽ góp phần cung cấp điện lượng bình quân 72,4 triệu kWh/năm cho hệ thống điện.

Dự án do EVN đầu tư, giao cho Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư. Dự án này là một trong số ít các dự án tại Việt Nam do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ vốn không có sự bão lãnh của Chính phủ. Địa điểm xây dựng: xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 đã hòa lưới điện quốc gia

Vào tháng 10/2019, AFD và EVN ký kết Thỏa ước tín dụng cho dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4. Đây là khoản tín dụng vay không bảo lãnh Chính phủ trị giá 24,2 triệu EURO cho dự án điện mặt trời Sê San 4 có công suất 49 MWp, được xây dựng trong phần đất thuộc Nhà máy thủy điện Sê San 4, trong đó AFD tài trợ toàn bộ giá trị hợp đồng EPC của dự án.

Trong quá trình triển khai, dự án đã được AFD kiểm tra hiện trường ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, tiến độ, sự tuân thủ về các điều kiện an toàn, môi trường và xã hội do AFD yêu cầu. Đây là thành công rất lớn đối với dự án khi thực hiện nghiêm túc các yêu cầu khắt khe về chất lượng, môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

TP Hải Phòng thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà

UBND TP Hải Phòng mới đây đã có văn bản số 6688/UBND – CT ngày 27/10/2020 gửi Bộ Công Thương thông tin về việc thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà sau năm 2020 tại địa phương này.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng thông tin: thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và họp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, UBND TP Hải Phòng có văn bản số 1043/UBND-GT ngày 25/5/2020 hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng và những đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong đó: giao Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng thực hiện đấu nối hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo theo đúng các quy định, tạo điều kiện để khuyến khích khách hàng triển khai lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Giao các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; từng bước nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đạt được mục tiêu TP đặt ra là tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 5% vào năm 2030.

TP Hải Phòng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 5% vào năm 2030

Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến 2035, Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2025 trên địa TP dự kiến triển khai xây dựng một số dự án điện mặt trời. Cụ thể, 10MW nguồn điện mặt trời tại khu công nghiệp Đình Vũ, nghiên cứu phát triển điện mặt trời nối lưới tại khu công nghiệp Đình Vũ khoảng 5MW, khu công nghiệp VSIP Hải Phòng khoảng 20MW, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền khoảng 10MW, huyện đảo Bạch Long Vỹ được cấp điện bằng nguồn lai ghép: gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng; trong đó máy phát diesel có công suất 2MVA, điện gió 1MW, điện mặt trời 500kWp và nguồn tích trữ năng lượng 7,48MWh. Đảo Long Châu huyện Cát Hải dự kiến được cấp điện bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời với tổng công suất 1,65kW. Hiện nay, dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ đang được Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai thực hiện, dự kiến đóng điện trong quý II/2021.

Theo UBND TP Hải Phòng, thông qua vận động, tuyên truyền, các doanh nghiệp và người dân đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Nhiều mô hình đã được triển khai, lắp đặt, đem lại hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có gần 330 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất  là 1.832kW, sản lượng điện phát lên lưới 9 tháng đầu năm 2020 khoảng 301.808 kWh. Ngoài ra một số nhà đầu tư trong các khu công nghiệp đã và đang triển khai những dự án điện mặt trời trên mái nhà xưởng như: dự án khai thác mặt trời của Công ty TNHH Năng lượng xanh DEEP C tại khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An với công suất 2,1MW; dự án điện mặt trời của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP với công suất 2MW.

Trong thời gian tới, UBND TP Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn việc phát triển điện mặt trời đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại các doanh nghiệp trong những khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn TP.

Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công trên địa bàn TPHCM

Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.

Theo đó, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho TP.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TPHCM

Đồng thời, giao Sở Công Thương phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng công ty Điện lực TPHCM và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, có báo cáo phân tích đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua. Trong đó, lưu ý về phương thức, quy trình thực hiện, chi phí đầu tư bình quân, hiệu suất công trình, hiệu quả thực tế, tuổi thọ, thời gian hoàn vốn, công tác duy tu, bảo dưỡng của từng công trình, dự án đã triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước thời gian qua; những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, cần phân tích đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế để có cái nhìn tổng thể, khách quan hơn về vấn đề này. Cùng với đó, cần tổ chức khảo sát hiện trạng mặt bằng, không gian, điều kiện thực tế tại từng đơn vị; trên cơ sở đó đề xuất chủ trương, phương thức, lộ trình, nguồn vốn thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.

Mặt khác, giao Sở Xây dựng rà soát, có ý kiến về thủ tục cấp phép xây dựng và việc tuân thủ các quy định an toàn công trình, tác động đến cảnh quan, môi trường đối với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ngân Hà