Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Điện lực
Kế hoạch được ban hành nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực đến nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm trong ngành điện lực; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng điện sau công tơ, về an toàn điện, bảo đảm công trình điện lực và tuân thủ Luật Điện lực.
Bên cạnh đó, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Điện lực, bảo đảm kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Xác định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành những hoạt động triển khai thi hành Luật Điện lực trên phạm vi cả nước.
Triển khai thi hành Luật Điện lực
Theo kế hoạch, hai nhiệm vụ chính cần thực hiện bao gồm: công tác hoàn thiện thể chế, chính sách và thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch.
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch này, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi
Mới đây, tại Bạc Liêu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và Úc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Cùng với bối cảnh chung của thế giới về nhu cầu về năng lượng, Úc và Việt Nam là hai quốc gia biển có tiềm năng nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi. Việt Nam được thiên nhiên trao tặng một đường bờ biển dài và điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Úc cũng có tiềm năng điện gió tương tự và đã thực hiện các bước đi để hỗ trợ việc phát triển và quản lý ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt - Úc (EEES) 2021 nêu rõ năng lượng là một lĩnh vực tiềm năng, có khả năng đóng góp rất lớn vào việc mục tiêu hợp tác đầu tư và thương mại, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Kế hoạch thực hiện EEES bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, Việt Nam và Úc đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3 năm 2024, trong đó xác định năng lượng là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai quốc gia.
Ảnh minh họa
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng của điện gió, chúng ta cần giải quyết nhiều thách thức, từ cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, công nghệ, đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý từ hai quốc gia Úc và Việt Nam tham dự hội thảo đã cùng trao đổi thông tin về chiến lược, chính sách, khung pháp lý và hiện trạng phát triển điện gió ngoài khơi tại Úc và Việt Nam; chia sẻ bài học kinh nghiệm, cơ hội, thách thức và giải pháp tiềm năng trong quá trình thiết lập ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi; trao đổi, tìm hiểu về yêu cầu ưu tiên của các cơ quan Việt Nam trong xây dựng các cơ chế, khung pháp lý hỗ trợ phát triện điện gió ngoài khơi của Việt Nam; đồng thời xác định những cơ hội hợp tác hoặc hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi cùng các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 361/KH-UBND ngày 11/12/2024 về việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố năm 2025.
Theo kế hoạch, năm 2025, toàn thành phố Hà Nội phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác, đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố đạt khoảng 129,3MW; phấn đấu tăng thêm khoảng 30MW điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phù hợp với chính sách phát triển ĐMTMN của Chính phủ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng.
Về giải pháp thực hiện, thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức: tuyên truyền trên báo, đài Trung ương, thành phố Hà Nội, những hình thức lồng ghép tại các sự kiện, các địa phương; xây dựng cẩm nang điện tử tuyên truyền và đăng trên báo, tạp chí, kênh điện tử. Phối hợp và thực hiện lồng ghép tuyên truyền về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội với nội dung tuyên truyền về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do cơ quan chức năng và các đơn vị điện lực chủ trì thực hiện.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển khoa học và công nghệ: lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện đối với dự án đầu tư mới tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống ĐMTMN, ưu tiên phát triển các hệ thống ĐMTMN có hệ thống tích trữ năng lượng. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội; nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong nông nghiệp, giao thông đô thị, chiếu sáng công cộng…
Xây dựng cơ chế chính sách: nghiên cứu đề xuất tiêu chí lựa chọn dự án ĐMTMN đăng ký lắp đặt trên địa bàn thành phố Hà Nội phù hợp với chính sách phát triển ĐMTMN của Chính phủ.
Hợp tác quốc tế: đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo…