Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 51/2021

Chủ nhật, 2/1/2022 | 21:30 GMT+7
Hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án năng lượng có quy mô lớn để thực thi triển khai cam kết tại COP26.

Ngành năng lượng góp phần thúc đẩy thực thi cam kết tại COP26

Mới đây, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam”. 

Tại hội thảo, nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như: kết quả Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) và triển khai thực hiện kết quả tại Việt Nam từ góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hiện trạng phát thải CO2 toàn cầu, cam kết và chiến lược thực hiện giảm phát thải của một sổ quốc gia trên thế giới; một số gợi ý chính sách và giải pháp thực thỉ các cam kết COP26; giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam.

Đề xuất các giải pháp nhằm giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (DEUs) tại Việt Nam, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, cần có những chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm - phát thải khí nhà kính trọng điểm để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn/định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình net-zero của ngành mình. Lộ trình net-zero cho các ngành cần chỉ rõ những hoạt động nào có thể tự thực hiện và những hoạt động nào cần có sự hỗ trợ của quốc tế.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Các cơ chế, chính sách về tài chính, đặc biệt là tài chính carbon có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai lộ trình net-zero.

Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, để thực hiện các cam kết về giảm phát thải thì việc chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống lệ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng lớn của các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng.

Ông Lương nhấn mạnh: Ba mục tiêu của chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là: an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Lương cũng cho rằng, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng ở Việt Nam sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược giảm phát thải dài hạn của nước ta

PVN đặt mục tiêu sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo

Tại tọa đàm “Hydro sạch: xu hướng công nghệ và cơ hội đầu tư, ứng dụng tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức mới đây, ông Đặng Thanh Tùng, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chia sẻ về các định hướng phát triển hydro sạch của PVN.

Theo đó, chiến lược của PVN là sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Trong đó, hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước biển sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi. Hydro sản xuất ra được vận chuyển về bờ bằng hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên sẵn có. Hydro có thể được sử dụng để sản xuất điện, cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp, dân cư, nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu hoặc sản xuất phân đạm, hóa chất, làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải. 

Ảnh minh họa

Theo ông Đặng Thanh Tùng, phương án này có một số ưu điểm như tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí (tích hợp hệ thống điện phân nước vào các giàn khai thác dầu khí, sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí để vận chuyển hydro về bờ); không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện trên biển, giảm chi phí đầu tư; tránh nguy cơ quá tải của hệ thống truyền tải. 

Đối với các nhà máy lọc dầu: sử dụng hydro “xanh” sản xuất từ năng lượng tái tạo để thay thế một phần hydro sản xuất từ các nguyên liệu như khí tự nhiên, LPG, naptha cung cấp cho các phân xưởng công nghệ xử lý bằng hydro (hydrotreating, hydrocracking...). Xem xét triển khai các dự án sản xuất hydro “lam” khi các điều kiện về chính sách cho phép (áp dụng thuế carbon, hình thành thị trường carbon trong nước).

Đối với các nhà máy đạm: sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo để thay thế một phần khí tự nhiên.

Đối với các dự án sản xuất hóa chất, nhiên liệu: sử dụng hydro “xanh” để chuyển hóa các nguồn khí giàu CO2 bao gồm: khí thải từ các nhà máy điện, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy hóa chất… và các mỏ khí thiên nhiên giàu CO2 thành các sản phẩm hóa chất, vật liệu có giá trị gia tăng cao như carbon nano tube (CNT), graphene hoặc nhu cầu tiêu thụ lớn như methanol hay các loại nhiên liệu (DME, Diesel, Methane).

Ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ: Các doanh nghiệp dầu khí nói chung và PVN nói riêng có những ưu thế để tham gia chuỗi giá trị hydro trên cơ sở lợi thế về kinh nghiệm, hạ tầng sẵn có. Tập đoàn đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược của mình trong lĩnh vực hydro và xây dựng lộ trình phát triển cũng như đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án thử nghiệm, làm chủ công nghệ để dần thu hẹp khoảng cách với các tập đoàn dầu khí trên thế giới, khu vực và tiến tới tham gia vào thị trường toàn cầu.

Bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính của PTSC

Được sự chấp thuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – Công ty mẹ, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính. Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh này đã được chính thức thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường của PTSC diễn ra vào ngày 29/12/2021.

PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận (Cà Mau)

Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PTSC trong thời gian tới, phù hợp với định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam đang xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững theo cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính, PTSC hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ngân Hà