Năng lượng tái tạo

Ngành năng lượng góp phần thúc đẩy thực thi cam kết tại COP26

Thứ ba, 28/12/2021 | 20:20 GMT+7
Hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án năng lượng có quy mô lớn để thực thi triển khai cam kết tại COP26.

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam”. 

Chương trình có sự tham dự của ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Mai Duy Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản; bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc Trung tâm sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam; ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh; đại diện Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam.

Tại hội thảo, nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như: kết quả Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) và triển khai thực hiện kết quả tại Việt Nam từ góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hiện trạng phát thải CO2 toàn cầu, cam kết và chiến lược thực hiện giảm phát thải của một sổ quốc gia trên thế giới; một số gợi ý chính sách và giải pháp thực thỉ các cam kết COP26; giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam.

Một số diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh 4 mục tiêu chính của COP26. Cụ thể là: đạt mục tiêu trung hòa carbon (net-zero) vào năm 2030 và giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C; phát triển và bảo tồn dựa vào thiên; cùng nhau thực hiện và huy động sự tham gia của cộng đồng; huy động 100 tỷ Đô la một năm cho các hành động khí hậu.

Cũng tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết: “…Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Bà Trinh cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong việc triển khai các mục tiêu của COP26. Như mục tiêu huy động được 100 tỷ Đô la/năm cho các hành động khí hậu là cam kết từ 2015 “có thể” được thực hiện vào 2023 trong khi đó đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ chi cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu chi cho thích ứng tại các nước đang phát triển rất lớn và rất cấp bách để đảm bảo có thể “tồn tại”. Bên cạnh đó là việc thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển (để không tính trùng dòng về tài chính song phương, dòng về tài chính đa phương, dòng về huy động tài chính (từ khu vực tư nhân, từ thị trường…). Vai trò của các ngân hàng phát triển và các ngân hàng thương mại tăng lên tuy nhiên đến nay điều kiện chưa rõ ràng.

Nói về vấn đề quản lý phát thải khí nhà kính đối với các ngành kinh tế, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết: Theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây là là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm kê khí nhà kính, triển khai các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; đồng thời là tiền đề xây dựng hạn ngạch phát thải khí nhà kính phục vụ phát triển thị trường carbon trong nước.

Đề xuất các giải pháp nhằm giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (DEUs) tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng, cần có những chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm - phát thải khí nhà kính trọng điểm để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn/định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình net-zero của ngành mình. Lộ trình net-zero cho các ngành cần chỉ rõ những hoạt động nào có thể tự thực hiện và những hoạt động nào cần có sự hỗ trợ của quốc tế.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Các cơ chế, chính sách về tài chính, đặc biệt là tài chính carbon có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai lộ trình net-zero.

Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, để thực hiện các cam kết về giảm phát thải thì việc chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống lệ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỷ trọng lớn của các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng.

Ông Lương nhấn mạnh: Ba mục tiêu của chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là: an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.

Ông Lương cũng cho rằng, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng ở Việt Nam sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược giảm phát thải dài hạn của nước ta.

Đỗ Hương