Thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định là Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch thực hiện theo quy định tại điều 34 nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.
Thành viên Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Chuẩn bị báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo quyết định phê duyệt.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
Ký kết hợp đồng gói thầu thi công xây lắp công trình Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban quản lý dự án Điện 3 và liên danh các nhà thầu đã tổ chức Lễ ký kết gói thầu 02XL-BA thi công xây lắp công trình Nhà máy thủy điện tích năng Bắc Ái giai đoạn 2 đợt 1 thuộc dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án có quy mô 1.200 MW gồm 4 tổ máy tuabin/bơm – máy phát/động cơ có công suất 300MW/tổ máy. Tổng mức đầu tư của dự án thủy điện tích năng Bác Ái là khoảng 21.100 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 12/2029 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5/2031.

Lễ ký kết hợp đồng gói thầu thi công xây lắp công trình Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2 đợt 1
Gói thầu số 02XL-BA là gói thầu xây lắp chính của dự án với phạm vi công việc bao gồm các công việc chủ yếu: thi công và lắp đặt thiết bị công trình chính gồm đường hầm áp lực, tháp điều áp thượng lưu, nhà máy ngầm và trạm phân phối 500kV, hầm xả, tháp điều áp hạ lưu, tháp van hạ lưu; các hầm, ngách thi công ngầm; các đường phục vụ thi công vận hành; hệ thống cấp điện thi công 22kV; hệ thống cấp nước thi công và sinh hoạt; các công trình phụ trợ, lán trại phục vụ thi công.
Qua quá trình đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, liên danh nhà thầu: Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Sông Đà, Công ty CP LILAMA 10, Công ty CP SCI E&C, Công ty CP Xây dựng 47, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã trúng thầu gói thầu 02XL-BA với giá trị là 4.334 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là khoảng 81 tháng, trong đó tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2029, tổ máy số 2 vào tháng 4/2030, tổ máy số 3 vào tháng 8/2030, tổ máy số 4 vào tháng 12/2030 và hoàn thành toàn bộ hợp đồng tháng 5/2031.
Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy phát triển các dự án điện khí LNG trong khuôn khổ AZEC
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), mới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công ThươNguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đối tác của Nhật Bản để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng, đồng thời mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong quá trình hợp tác này.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: moit.gov.vn)
Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Đại sứ Ito Naoki bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương tích cực phối hợp với phía Nhật Bản triển khai hợp tác trong khuôn khổ AZEC về thúc đẩy các dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG; hỗ trợ để hoàn tất các thủ tục thanh lý đối với các dự án BOT Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các dự án điện khí LNG đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng điện cho nền kinh tế đất nước cũng như cho từng vùng, miền và từng địa phương. Bộ Công Thương ghi nhận sự quan tâm và mong muốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào các dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG tại Việt Nam, đồng thời sẽ tích cực phối hợp với phía Nhật Bản trong quá trình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ AZEC liên quan đến LNG.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh quá trình bàn giao thành công dự án BOT Phú Mỹ 2.2 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào tháng 2/2025, kỳ vọng nhà máy sẽ tiếp tục được vận hành, khai thác hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và ổn định hệ thống điện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu, lợi ích của người dân. Bộ Công Thương cũng sẽ có ý kiến với các đơn vị liên quan để việc thanh lý của dự án BOT Phú Mỹ 3 sẽ sớm được hoàn tất.