Năng lượng tái tạo

Tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đốt rác phát điện Long Mỹ

Thứ sáu, 7/2/2025 | 14:13 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định có quyết định 341/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.

Theo đó, hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định. Mục tiêu của dự án là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững. Yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi và không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng.

Địa điểm thực hiện dự án tại ô A5 và ô A6 thuộc khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn. Tổng mức đầu tư dự kiến tối thiểu 1.500 tỷ đồng (có thể cao hơn, tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư). Diện tích đất dự kiến sử dụng 100.400m2 (đây là diện tích tối đa để xây dựng nhà máy, chưa bao gồm phần diện tích đất cho đường dây đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia, hệ thống giao thông kết nối. Đối với vị trí xử lý tro bay được thực hiện theo quy định và theo đề xuất của nhà đầu tư); ưu tiên nhà đầu tư đề xuất sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Công suất thiết kế của nhà máy là 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm có phát điện với công suất 15MW theo quy định tại bảng 7 Danh mục các dự án điện sản xuất từ rác bổ sung cập nhật ban hành kèm theo quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 28/12/2024 của Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Phạm vi phục vụ là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần huyện Vân Canh. Về lâu dài, sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi phục vụ theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiến độ thực hiện dự án: không quá 2 năm kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư. 

UBND tỉnh Bình Định giao UBND thành phố Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cập nhật vị trí nêu trên vào Quy hoạch sử dụng đất thành phố Quy Nhơn thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2025; sớm thực hiện giải phóng mặt bằng khu đất, tổ chức đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào của dự án, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng của dự án.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Quy Nhơn lập bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trình UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, đăng tải bảng theo dõi tiến độ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ thuộc bên mời thầu và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Luật Đấu thầu. Giao UBND thành phố Quy Nhơn, UBND thị xã An Nhơn, UBND huyện Tuy Phước ký hợp đồng vận hành, cung cấp rác, tiền xử lý rác... với nhà đầu tư theo quy định.

Tiến Đạt