Văn hóa, du lịch

Bảo tồn các lễ hội truyền thống dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch

Thứ năm, 3/11/2022 | 11:20 GMT+7
Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa phối hợp với Sở VHTT&DL, UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) tổ chức Hội nghị tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch năm 2022.

Hội nghị nhằm thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư đối với công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Sự kiện thu hút sự tham gia của 200 công chức văn hóa xã, đại diện giáo viên tại các trường phổ thông, nghệ nhân, học viên là người dân tộc Mường, Dao đang sinh sống trên địa bàn các xã thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết, công tác bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số do Bộ VHTT&DL tổ chức tại các địa phương là hoạt động góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đây là việc làm cấp thiết, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, mà còn góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, học viên là người dân tộc Mường, Dao, công chức văn hóa xã, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là trao truyền cho thế hệ trẻ vốn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý báu của cha ông.

Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Ông Phạm Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn chia sẻ, với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Mường, huyện đã xây dựng đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đến năm 2025 gắn với phát triển du lịch. Đến nay, toàn huyện đã có 127 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng, 123 bộ nhạc cụ khác, 1.268 bộ trang phục, 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; phục dựng 3 di sản, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang.

Ngoài ra, kết hợp với bảo tồn di sản, mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Thanh Sơn đang được phát triển ở nhiều bản làng vùng cao, với nhiều nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc.

Hàng năm, tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, huyện Thanh Sơn còn phối hợp tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Tết Cổ truyền, Tết Hàn thực (3/3), Tết Hạ điền, Tết Cầu lá lúa, Tết Cơm mới (10/10) của người Mường; lễ hội cầu mùa, lễ hội nhảy lửa, lễ hội Tết Nhảy của đồng bào dân tộc Dao... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân, thu hút khách du lịch đến Thanh Sơn.

Lãnh đạo huyện Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, để hát huy hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.

Theo thông tin từ ban tổ chức, trước đó, từ ngày 28/10 đến 1/11, các nghệ nhân và học viên người Mường xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn đã tích cực trao truyền, hướng dẫn và tập luyện các nghi lễ, nghi thức, tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cho buổi lễ diễn ra trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, nhằm thu hút được sự quan tâm của người dân, du khách.

Việt Nga