Văn hóa, du lịch

Bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam

Thứ năm, 15/9/2022 | 12:02 GMT+7
Ngày 14/9, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước di sản thế giới.

Hội thảo là một trong những hoạt động hướng tới Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng quản lý các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong bối cảnh hậu Covid-19, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi về việc tiếp cận các xu thế mới của thế giới trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; những vấn đề trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di sản thế giới ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản thế giới, đảm bảo sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực di sản thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản thế giới.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực thực thi kế hoạch quản lý; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý di sản thế giới; mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý di sản thế giới...

Đối với địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch; cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương; chế tài trong kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo tồn di sản. Thúc đẩy phát triển công nghệ số; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; tiếp tục gắn kết và phát huy thế mạnh của mô hình hợp tác công tư (nhà nước, doanh nghiệp, người dân là 3 trụ cột chính và đối tác trung gian là các nhà khoa học, các cơ quan tư vấn chuyên môn).

Thanh Bảo