Bảo tồn thiên nhiên, cải thiện hệ sinh thái tại vườn quốc gia Tràm Chim

Thứ hai, 11/3/2024 | 16:02 GMT+7
Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn vườn quốc gia Tràm Chim cải thiện hệ sinh thái và sinh kế cộng đồng quanh vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn vườn quốc gia Tràm Chim, việc cải thiện hệ sinh thái và sinh kế cộng đồng quanh vườn quốc gia Tràm Chim nhằm giúp tăng cường dịch vụ điều tiết và khả năng bồi hoàn nước trong vườn và vùng đệm. Bên cạnh đó, giúp cải thiện kết nối nguồn nước và phục hồi cánh đồng lũ, nhằm cải thiện hệ sinh thái và sinh kế cộng đồng địa phương trong và xung quanh vườn quốc gia Tràm Chim.

Qua đánh giá, dự án góp phần dỡ bỏ, hạ thấp 600m đê bao ở nội đồng tuyến đê bao kênh Gáo Đôi khu A4, gom lại thành 2 gò cao tạo nơi sinh sống cho các loài động vật - đặc biệt vào mùa khô. Phục hồi khoảng 50ha sinh cảnh đồng cỏ năng, hoa Hoàng đầu ấn ở phân khu A4. Thực hiện quan trắc, theo dõi hệ thực vật trong khu vực phục hồi, hỗ trợ 50 hộ nông dân vùng đệm chuyển đổi từ lúa vụ 3 sang các mô hình sinh kế mùa lũ...

Cải thiện hệ sinh thái vườn quốc gia Tràm Chim

Trong thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện khả năng kết nối và thời gian lưu trữ nước, phù sa ở cánh đồng lũ và đất ngập nước, nhân rộng mô hình sinh kế thuận thiên, cánh đồng mùa lũ xung quanh vườn và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng đất nằm trong địa phận của 7 xã (Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp), thị trấn Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông. Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích hơn 7500ha, là mô hình thu nhỏ đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười với hệ sinh thái đa đạng.

Đây cũng là nơi phát triển của thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài khác nhau. Hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ, trong đó 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm 1/4 tổng số loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Đáng chú ý, loài sếu đầu đỏ là một tài sản thiên thiên vô giá của vườn quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp.

Ngọc Mai (T/H)