Văn hóa, du lịch

Bảo tồn văn hóa Mông gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội

Thứ năm, 17/3/2022 | 16:18 GMT+7
Ngày 17/3, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại Hà Giang.

Người Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất trong các dân tộc trên địa bàn tỉnh (chiếm trên 31%), với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa, sinh sống chủ yếu ở các Huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía Tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc... Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... với màu sắc hài hòa. Đây là những tài sản vô giá, lâu đời của cộng đồng người Mông, cần được bảo tồn và duy trì.

Phát biểu tại hội thảo Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội tại Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong bối cảnh nền văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một do ảnh hưởng của quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng trên các mặt kinh tế, xã hội, sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bộ phận không nhỏ người dân, việc đầu tư hơn nữa cho công tác bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng ngày càng cần thiết.

Theo đó, hội thảo là dịp để các ngành, chức năng và địa phương cùng thảo luận, bàn bạc và đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng trong tương lai, nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống và đề cao vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mông trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa Hà Giang

Các nội dung được thảo luận xoay quanh vấn đề con người và văn hóa Mông bao gồm: nghiên cứu các bài học kinh nghiệm bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong thực tiễn phát triển du lịch; vai trò của phụ nữ dân tộc Mông trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội; làm rõ các mô hình kinh doanh du lịch của phụ nữ dân tộc Mông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang; các giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ Mông trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.

Các tham luận tại hội thảo đánh giá, phụ nữ dân tộc Mông giữ vai trò quan trọng trong tổ chức cuộc sống gia đình như lao động sản xuất, sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Bên cạnh đó, họ còn gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của người Mông để lưu truyền qua các thế hệ. Đây chính là nguồn lực, nguồn vốn mà người phụ nữ nắm giữ, khai thác trong bối cảnh phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, đứng trước những thay đổi nhanh về kinh tế, xã hội, đồng bào dân tộc Mông đang lúng túng, mất định hướng. Do đó, những người làm công tác quản lý di sản văn hóa cần phải đưa ra định hướng và  giải pháp mang tính khả thi để giúp phụ nữ người dân tộc Mông giữ được bản sắc văn hóa và phát huy bản sắc văn hóa đó trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội.

Theo đó, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển du lịch bền vững; phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của dân tộc Mông.

Nhân đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang mong muốn các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ Hà Giang trong công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, nhất là với các đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Thanh Bảo