Nông nghiệp sạch

Biến vườn thành rừng, phát triển loại cà phê đặc sản

Thứ hai, 6/4/2020 | 11:02 GMT+7
Nhờ theo đuổi phương thức làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp thuận tự nhiên dựa vào việc xây dựng hệ sinh thái phong phú nên cây cối trong vườn cà phê đặc sản của anh Vũ Mạnh Đường (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) vẫn giữ được màu xanh tươi giữa mùa khô hạn.

Thời gian đầu, anh Vũ Mạnh Đường cải tạo và canh tác cà phê đặc sản theo hướng hữu cơ, làm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh. "Có lần, bạn mình gửi cho một video nói về cách người Brazil làm nông - lâm kết hợp trong vườn rừng. Tài liệu về cách làm nông nghiệp này chưa có nhiều. Mình quan sát trong tự nhiên và bắt đầu áp dụng lên vườn cà phê theo cách của mình", anh Đường chia sẻ.

Anh đã bỏ độc canh cà phê, chuyển qua xen canh nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, muồng, đinh lăng, đậu đen… để tạo nhiều tầng, tán cho khu vườn. Trên những nhánh cây dưới tầm với, anh Đường còn khéo léo cấy nhiều loại lan rừng với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái phong phú như trong tự nhiên.

Một chùm bơ vừa đậu trái được anh Đường tỉa thưa để cây đủ chất nuôi quả

Các loại cây cao, tán lớn thường xuyên được cắt tỉa. Lượng cành lá được anh tận dụng để làm phân hữu cơ cho đất theo một chu trình khép kín. Cỏ dại giúp giữ ẩm cho đất và là môi trường cho vi sinh vật phát triển. Chính nhờ vậy, Tây Nguyên đang giữa mùa khô hạn nhưng "khu rừng" của anh Đường vẫn giữ được sự mát mẻ, xanh tươi.

Quanh vườn cà phê đặc sản, anh Đường cũng trồng nhiều cây ăn trái như chuối, xoài, mít, vải thiều, mãng cầu… Đến kỳ thu hoạch, anh thường để lại một lượng trái chín cho các loài chim ăn.

Cuối vườn, anh Đường giữ lại 3 ao cá. Anh chặn dòng nước bên ngoài chảy vào ao để đảm bảm cách ly. Bên cạnh là 4 sào ruộng, trồng lúa sử dụng trong gia đình. Anh Đường chỉ vãi lúa giống đầu mùa, sau đó để cho cỏ, lúa trời tốt ngợp.

4 sào ruộng lúa cung cấp gạo sạch, gạo hữu cơ cho gia đình anh Đường thường xuyên ngập cỏ và lúa trời

"Thứ lúa này cho thứ gạo hữu cơ độc đáo, sạch. Nhiều người đến hỏi mua lúa, gạo nhưng mình có đâu mà bán. Sắp tới, mình sẽ ngăn dòng cách ly ruộng lúa này với các vựa bên cạnh để khép kín luôn diện tích canh tác", anh nói.

Vườn rừng cho ra loại cà phê đặc sản

Anh Đường cho biết, vì trồng xen nhiều cây, lại cắt giảm lượng phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên cây trồng chính là cà phê bị giảm năng suất từ 20 - 30%. Tuy nhiên, nhờ có hướng canh tác mới nên đã cho ra hạt cà phê sạch, nền tảng để làm cà phê đặc sản. Được biết, anh đã đăng ký theo học một lớp sơ chế, thử nếm cà phê đặc sản tại Lâm Đồng.

Mùa cà phê trước, anh Đường đã áp dụng cách thức thu hái, chế biến cà phê mới theo hướng làm cà phê đặc sản. Cà phê trong vườn được hái lựa quả chín 100%, ủ lên men và phơi khô trên giàn dưới ánh nắng tự nhiên. Anh Đường cho rằng, với cách làm này cho ra chất lượng nhân xanh đồng đều, tỷ lệ tạp chất thấp, vị đậm hơn. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công nên sẽ giúp nâng cao giá trị hạt cà phê gấp 3 lần so với cách làm cà phê truyền thống.

Anh Vũ Mạnh Đường phải thực hiện rất nhiều công đoạn để làm ra hạt cà phê đặc sản

Vốn nhỏ, anh vay thêm để làm một khu nhà kính phơi cà phê đặc sản. Hết mùa, nhà kính được tận dụng để phơi khô các loại trà từ trái cây và dược liệu trong vườn.

Sau 1 năm làm cà phê kiểu mới, anh Đường mạnh dạn đem cà phê từ khu vườn "sinh thái" đi tham dự một cuộc thi về cà phê đặc sản được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Dưới sự đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên về thử nếm, cà phê của Vũ Mạnh Đường đạt số điểm cupping 80,36 - mức đạt cà phê đặc sản.

Anh Đường cho rằng, khu vườn cho mình một môi trường sống tốt. Nông sản sạch đang được người tiêu dùng chấp nhận. Cách làm cà phê đặc sản mà anh đang theo đuổi cũng giúp nông nghiệp bền vững hơn.

Theo Danviet