Nông nghiệp sạch

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

Thứ ba, 8/10/2019 | 15:14 GMT+7
Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã có 2.975 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản với 1.082 doanh nghiệp. Đối với chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.254 chuỗi đã được chứng nhận với 1.452 sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như: rau quả và trái cây các loại, gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, trứng gia cầm... Cả nước có 3.172 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 649 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cả nước hiện cung xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu"

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An là một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu các thị trường: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đức, Hàn Quốc, Philippines, Australia... Loại gạo công ty xuất khẩu chủ yếu là loại gạo thơm, chất lượng cao. Mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và rất cần thiết, thế nhưng lại không thể phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng liên kết ở các địa phương lại có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do các chuỗi liên kết thiếu vốn, nguồn lực chính để thực hiện.

Để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Chính phủ cần có phương án vốn thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa. Có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế. Với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay chỉ thu được 2,5 - 3 tỷ USD khi thực hiện liên kết thì chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có thể thu được khoảng 5 tỷ USD.

Tại diễn đàn nhiều doanh nghiệp mong muốn nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có chính sách ưu đãi tín dụng triển khai thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi chỉ có thực hiện liên kết chuỗi nông sản của Việt Nam mới có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao được hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.

Theo qdnd.vn