Chương trình là một trong những hoạt động thuộc dự án “Nhân rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua trao quyền cho các lao động thuộc khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” do Chính phủ Na Uy tài trợ, thông qua UNDP.
Phát biểu tại chương trình, bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, phân loại rác thải tại nguồn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động quản lý rác thải nói chung và tái chế nói riêng. Chính phủ Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải của Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố ven biển có ngành dịch vụ du lịch phát triển như Quy Nhơn.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/23/co-so-thu-rac-20240923171751434.jpg)
Lễ khánh thành Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) tại Quy Nhơn
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh, việc thành phố Quy Nhơn triển khai phân loại rác thải tại nguồn đã đánh dấu mốc quan trọng trong quản lý chất thải rắn bền vững, thúc đẩy tái chế và hướng đến kinh tế tuần hoàn. Đây là mô hình thí điểm quan trọng cấp thành phố, hướng đến thực hiện thành công phân loại rác thải tại nguồn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Quy Nhơn là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, thu hút nhiều nhà nhà đầu tư và khách du lịch. Tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á năm 2020, Quy Nhơn đã lần đầu tiên được trao giải thưởng thành phố du lịch sạch ASEAN và tiếp tục đoạt giải thưởng này trong giai đoạn 2024 - 2026.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn chia sẻ, triển khai phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp cải thiện đáng kể vấn đề quản lý rác thải tại thành phố, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giữ vững danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN của địa phương.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) tại khu liên hợp xử lý chất thải Long Mỹ (xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn). Cơ sở MRF có diện tích 1.000m2, kinh phí đầu tư hạ tầng gần 8 tỷ đồng. Cơ sở đặt mục tiêu thu hồi khoảng 4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, góp phần ngăn chặn tình trạng rác thải nhựa bị chôn lấp hoặc rò rỉ ra môi trường, tạo việc làm cho 20 lao động chính thức và hơn 200 lao động phi chính thức tham gia vào mạng lưới thu gom.
Công ty Tái chế nhựa Duy Tân sẽ hỗ trợ đào tạo về phân loại nhựa, xây dựng thị trường phế liệu, đánh giá chất lượng của sản phẩm nhựa sau phân loại cho MRF. Theo đó, rác thải được thu gom tại MRF sẽ được phân loại, tách nhãn và ép kiện, sau đó vận chuyển đến nhà máy của Duy Tân tái chế thành hạt nhựa tái sinh. Từ đó tạo nên một quy trình khép kín thuận lợi trong công tác thu gom, tái chế nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn, tạo vòng đời mới cho phế liệu nhựa.