Theo quy chế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ thể hoạt động tại các KCN. Trong đó, Ban quản lý lập kế hoạch, triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN.
Kiểm tra, giám sát hoạt động quan trắc định kỳ đối với nguồn thải, nguồn ô nhiễm; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý theo quy định. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; phối hợp với Ban quản lý kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Ban quản lý, UBND cấp huyện phối hợp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp tại KCN theo tiêu chí phân loại dự án đầu tư, quy định pháp luật và thông tin kết quả thủ tục hành chính đến cơ quan phối hợp trên môi trường điện tử ngay khi phát hành.
Tuyên truyền, phổ biến công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp
Quy chế nêu, về công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN, Ban quản lý lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, chủ trì kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị của cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân; lập biên bản vi phạm hành chính, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và dự thảo quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính, trình UBND tỉnh xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Công an tỉnh Đồng Nai có nhiệm vụ lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trong KCN khi phát hiện có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp. Lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định đối với vụ việc vi phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường khi có yêu cầu.
UBND cấp huyện phối hợp lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong KCN trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi KCN, Ban quản lý kiểm tra, giám sát tình hình đấu nối, xử lý nước thải, xả thải vào môi trường của KCN, doanh nghiệp KCN theo các giấy phép đã được cấp; theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chương trình quản lý, giám sát môi trường kết hợp với các biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường.
Công an tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong việc tổ chức, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên để có chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên.
Trong công tác ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, Ban quản lý chủ động phối hợp với doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN xử lý sơ bộ sự cố môi trường phát sinh trong KCN; phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Sở, UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN để huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng phó kịp thời sự cố môi trường. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, Ban quản lý phải báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác minh thiệt hại đối với môi trường; yêu cầu bồi thường thiệt hại do ô nhiễm trong KCN. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường dùng chung cho các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các KCN. Ban quản lý có trách nhiệm định kỳ 6 tháng/lần, thông tin về tình hình đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và tình hình đấu nối nước mưa, nước thải tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.