Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Đoàn Trường Giang cho biết, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường; 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa trong số đó bị thải ra biển, chỉ khoảng 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường, điển hình như các giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhiều mô hình, sáng kiến xử lý rác thải nhựa được áp dụng có hiệu quả trong đời sống, cùng hướng tới lối sống xanh, sạch hơn, hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ tương lai cho thế hệ sau.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/8/15/tuyen-truyen-chong-nhua-20240815174646681.jpg)
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa
Theo ông Ra Lan Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường chỉ đạo thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” thông qua các kế hoạch, văn bản về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn. Các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người dân địa phương nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cũng nêu ra một số một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong quá trình triển khai công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chống rác thải nhựa nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về vai trò của công tác truyền thông, báo chí và tuyên truyền viên TN&MT trong nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon và phong trào chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường; các giải pháp tăng cường nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông về việc thay đổi, thói quen hành vi nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc giảm thiểu, hạn chế, tái sử dụng, tái chế, dần tiến tới loại bỏ hoàn toàn túi nilon và đồ nhựa dùng một lần.