Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gồm: nhà máy xử lý CTRSH tại huyện Thới Lai của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ và khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ của Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Minh Thông.
Qua thống kê, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/7/2024, nhà máy xử lý CTRSH tại huyện Thới Lai đã tiếp nhận tổng lượng CTRSH trung bình hơn 525 tấn/ngày của 5 quận, huyện như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai và Ô Môn; còn khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt huyện Cờ Đỏ cũng đã tiếp nhận trung bình hơn 120 tấn/ngày của 4 quận, huyện như: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và một phần Thới Lai.
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải tại hố rác của nhà máy xử lý CTRSH gây chậm trễ khâu nhận rác vào nhà máy; đồng thời đảm bảo nhà máy xử lý CTRSH tiếp nhận và xử lý khoảng 700 tấn CTRSH còn tồn đọng ở trạm trung chuyển rác số 71 Trần Phú (quận Ninh Kiều), Sở TN&MT kiến nghị UBND thành phố giao UBND quận Ô Môn thực hiện thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát khối lượng CTRSH hàng ngày; thanh toán chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý cho Công ty CP Đô thị Cần Thơ và Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Minh Thông; phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại Minh Thông kiểm tra, đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển, lịch trình tiếp nhận CTRSH hàng ngày; giao UBND huyện Cờ Đỏ chỉ đạo UBND xã Đông Thắng tổ chức họp và thông tin cho người dân tại khu vực xung quanh bãi rác xã Đông Thắng nắm được chủ trương việc điều tiết lượng CTRSH từ Ô Môn về khu xử lý chất thải rắn xã Đông Thắng để xử lý bằng phương pháp đốt.
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công; khẩn trương hướng dẫn các quận, huyện tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị thu gom, vận chuyển trên địa bàn, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị theo quy định. Tổ chức quản lý hiệu quả hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường và xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm hợp đồng theo thẩm quyền được giao.
Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình thu gom, vận chuyển trên địa bàn của các đơn vị thu gom, vận chuyển; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chất thải rắn không được thu gom, gây ứ đọng trên địa bàn quản lý; không để xảy ra tình trạng phản ánh của cơ quan truyền thông và người dân liên quan vấn đề ùn ứ rác thải, gây mùi hôi, ảnh hưởng cảnh quan môi trường của thành phố.