Năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương họp tham vấn về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Chủ nhật, 5/5/2024 | 20:41 GMT+7
Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo tham vấn kỹ thuật về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các hiệp hội, viện nghiên cứu chính sách về năng lượng, chuyên gia am hiểu về lĩnh vực điện mặt trời mái nhà.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Chính vì mục đích tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

Theo Bộ trưởng, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… Do đó, sẽ không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà bởi nếu có hoạt động mua bán điện, doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Quang cảnh hội thảo

Lý giải vì sao Bộ Công Thương đưa ra mức giá 0 đồng, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng điều này sẽ giúp tránh tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện. Bởi điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do vậy, những nhà đầu tư điện chạy nền (điện than, điện khí, thủy điện…) có chịu hy sinh lợi ích mà họ đang có không?

Theo Bộ trưởng, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà có thể dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, bởi đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, với tính toán hệ thống điện hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trong phạm vi của nghị định này thì thời điểm này ghi nhận sản lượng giá 0 đồng nên mong muốn nhà đầu tư hiểu rõ mục tiêu, còn thời điểm khác sẽ có tính toán hợp lý.

Bộ trưởng kết luận: Chúng ta đều thống nhất nhận định là sự cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu bởi các lý do sau:

Thứ nhất, để khai thác và phát huy được tiềm năng tự nhiên. Thông qua việc phát triển điện mặt trời áp mái chúng ta có cơ hội bổ sung nguồn cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào thời gian cao điểm; có cơ hội bổ sung khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao và tăng nhanh.

Thứ hai, là giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, đồng thời khai thác phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, nói cách khác là huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư phát triển cho nguồn điện cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của đất nước. Đồng thời cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất và tiêu dùng của các đối tượng sử dụng điện.

Thứ ba, là thông qua việc khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà sẽ đáp ứng được mục tiêu trong tương lai đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Đình Tú (t/h)