Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực năng lượng

Thứ sáu, 12/7/2024 | 15:25 GMT+7
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với các đơn vị về triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến chính sách giá điện.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức, triển khai xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nói chung, phát triển điện lực nói riêng và để triển khai thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Để triển khai thành công một số nhiệm vụ cấp bách của Bộ Công Thương trong các năm 2024 - 2025, cần thiết xác định, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong khuôn khổ nhiệm vụ trước mắt, theo nguyên tắc tránh đan xen công việc giữa các đơn vị đối với các nhóm nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách bao trùm phát triển ngành điện về xây dựng Luật Điện lực sửa đổi và xây dựng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách phát triển các loại hình nguồn điện về xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời mái nhà và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG, cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện, cơ chế chính sách để thúc đẩy nhập khẩu điện, đặc biệt từ Lào thông qua các hiệp định, biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sang nhiên liệu sinh khối, amoniac, hydro... và nghiên cứu phương án dừng hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.

Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực năng lượng. (Ảnh minh họa)

Thứ tư, nhóm nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách về thị trường điện, giá điện, than, khí bao gồm xây dựng khung giá cho các loại hình phát điện; thực hiện cơ chế DPPA; hoàn thiện cơ chế giá truyền tải và cơ cấu biểu giá điện hiện hành; xây dựng giá điện hai thành phần, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường cạnh tranh đối với than, khí.

Thứ năm, nhóm nhiệm vụ liên quan đến việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng: nghiên cứu, rà soát, đánh giá và đề ra cơ chế bảo đảm hài hòa lợi ích các chủ thể từ khâu khai thác khí đến khâu mua điện đối với các chuỗi dự án khí điện. Nghiên cứu, rà soát, đánh giá, ban hành cơ chế, chính sách về các dự án than, khí đảm bảo cung cấp than, khí cho phát điện ổn định, dài hạn với giá cạnh tranh, minh bạch.

Thứ sáu, những nhiệm vụ khác liên quan đến xử lý dứt điểm các tồn tại đã được nêu tại các nghị quyết, kết luận kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán... và rà soát tổng thể để bổ sung và triển khai thực hiện lộ trình xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn ngành công thương đã được phê duyệt; kịp thời xây dựng và ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ phát triển các loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Thứ bảy, các nhiệm vụ liên quan đến kiến nghị của cấp thẩm quyền về sửa đổi, bãi bỏ, ban hành mới các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ khuyến khích các dự án điện trong đó có giá FIT.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự thống nhất cao ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong năm 2024 và 2025 để thực hiện được Quy hoạch điện VIII được duyệt và phát triển nguồn năng lượng mới đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, kế hoạch sẽ có 8 nhóm nhiệm vụ, 3 quan điểm khi giao việc: làm có tính hệ thống, đồng bộ; mỗi việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì, các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp; thực hiện nghiêm khi được giao việc chứ không chuyển chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của đơn vị mình sang đơn vị khác.

Trách nhiệm thuộc về các đơn vị chức năng thuộc Bộ: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng cùng một số đơn vị liên quan: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên.

Lưu ý, khi giao từng đơn vị chủ trì phải đề xuất được chính sách cụ thể trong quý III, quý IV năm nay và số còn lại phải ban hành trong năm 2025. Đề nghị đơn vị đề xuất chính sách cụ thể phải đề xuất được trước ngày 15/7 mang tính hệ thống, xuyên suốt. Trước mắt, triển khai 16 cơ chế chính sách đã được Bộ trưởng đưa ra tại cuộc họp này (hoàn thành muộn nhất trong quý IV năm nay).

Bộ trưởng yêu cầu ban soạn thảo, tổ biên tập của Luật Điện lực tiếp thu tinh thần của Hội nghị này để rà soát bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi với tinh thần chung là thực hiện theo cơ chế thị trường đầy đủ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị trong quá trình thực hiện, chú ý đơn vị chủ trì phải làm đúng, làm hết trách nhiệm, các đơn vị phối hợp cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình và chú ý khai thác trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đức Dũng (t/h)