Tham vấn lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030

Thứ ba, 16/7/2024 | 17:22 GMT+7
Mới đây, tại Phú Yên, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo tham luận lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục tổ chức lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Hội thảo tham luận lần này được tổ chức nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Ba; đồng thời, lấy ý kiến các địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp, phương hướng giải quyết vấn đề về tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba.

Giới thiệu chung về khung quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Ba và các quan điểm, định hướng trong quy hoạch, ông Lương Quang Phục, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định và kiểm định tài nguyên nước cho biết, lưu vực sông Ba là một trong 9 lưu vực sông lớn ở Việt Nam, thuộc địa phận của các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và một phần nhỏ thuộc Bình Định. Với diện tích 13.417 km2, lưu vực sông Ba có tiềm năng rất lớn về nông lâm nghiệp, thủy sản với hơn 40km bờ biển. Ngoài ra, lưu vực sông còn có nguồn thủy năng khá lớn, có nhiều vị trí xây dựng thủy điện vừa và lớn. Hiện tại, phần lớn nước sử dụng lấy từ nguồn nước mặt các sông hồ.

Lưu vực sông Ba

Theo ông Lương Quang Phục, cũng như nhiều lưu vực sông khác tại Việt Nam, lưu vực sông Ba đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước như các vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thiên tai; vấn đề quản lý tài nguyên nước...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà nhấn mạnh, để có cơ sở triển khai lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba đúng trọng tâm và hiệu quả nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề nêu trên, cần thiết thực hiện lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, làm cơ sở điều chỉnh và định hướng cho công tác quản lý khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Ba trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Theo đó, Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba được lập phải bảo đảm theo nguyên tắc: bảo đảm tính toàn diện của nước mặt với nước dưới đất; gắn khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo đảm việc lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và điều hòa, phân phối tài nguyên nước...

Trên cơ sở đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bao gồm những nội dung chính như: phân tích, đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội và định hướng phát triển có liên quan; dự báo xu thế biến động và các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong kỳ quy hoạch; quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra; giải pháp, kinh phí, kế hoạch thực hiện.

Tại hội thảo, đại diện các Sở, ngành, chuyên gia đã phát biểu ý kiến, thảo luận làm rõ nhiều vấn đề mà lưu vực sông Ba đang gặp phải, qua đó đề xuất giải pháp để có thể đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo các yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, giữa vùng thượng lưu và hạ lưu trong thời kỳ quy hoạch. 

Thanh Bảo (T/H)