Cà Mau cần 311 tỉ đồng để trữ nước ngọt ứng phó với hạn hán, ngập mặn

Thứ ba, 24/3/2020 | 15:05 GMT+7
Từ ngày 21 - 25/3/2020, xâm nhập mặn có xu hướng tăng nhẹ khiến gần 159 nghìn hộ dân thiếu nước ngọt. Tỉnh Cà Mau đề xuất nguồn kinh phí 311 tỉ đồng để ứng phó.

Đợt hạn hán và xâm nhập mặn mới gây thiếu nước ngọt diện rộng

Nhìn diện tích lúa bị nước mặn làm chết khô, xác xơ trong nắng tháng 3, ông Nguyễn Hữu Bảy (xã Bình Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) chua xót nói: “Thế là hơn 1 công diện tích lúa vụ này của tôi đã mất trắng. Chưa năm nào xâm nhập mặn lại vào sâu như thế này. 10 ngày nay gia đình tôi phải mua nước ngọt với giá cao, chịu không nổi”.

Cùng với hộ gia đình ông Bảy, nhiều người dân tỉnh Bến Tre cũng đang trong tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, gieo trồng.

Ông Nguyễn Hữu Lục (xã Phú Hưng, Bến Tre) buồn rầu chia sẻ: “Thiếu nước ngọt hơn 2 tuần nay, gia đình tôi phải đi xin nước giếng của 1-2 hộ dân có giếng đang còn nước ngọt để ăn uống. Đi xin bất tiện lắm, nhưng giá nước ngọt được chở bán bằng xe bồn rất đắt, gia đình không thể mua nổi”.

Cũng như gia đình ông Lục, ông Bảy, hàng nghìn hộ dân tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSLC) đang oằn mình chống chọi với hạn hán, ngập mặn. Trong đó, riêng tỉnh Bến Tre có hơn 20.000 hộ rơi vào cảnh thiếu nước ngọt.

Trong khi người dân đang "khát" nước ngọt, thì đợt xâm nhập mặn mới (từ ngày 21 - 25/3) lại bồi thêm tình trạng thiếu nước ngọt cho ĐBSCL.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), tại các tỉnh thuộc ĐBSCL hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô năm 2020, sẽ có gần 159.000 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Tại tỉnh Cà Mau, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến trên 16.554ha lúa tôm; 10.644ha lúa đông xuân bị thiệt hại; hơn 3.568 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; xảy ra 887 điểm sụp lún ven bờ kênh.

Người dân Cà Mau khoan giếng nước ngầm để lấy nước ngọt sử dụng, tuy nhiên hều hết các cây nước mới khoan đều nhiễm phèn và mặn không sử dụng được. 

Cà Mau cần trên 311 tỉ đồng để tạo nguồn trữ nước ngọt

Để có kinh phí ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, UBND tỉnh Cà Mau vừa có tờ trình trình xin hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 – 2020. Tại tờ trình gửi Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất được hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 – 2020 với khoảng trên 311 tỉ đồng.

Kinh phí này được sử dụng để chủ động trong việc tạo nguồn trữ ngọt nhằm phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt năm 2019 - 2020 và những năm tiếp theo.

Theo thống kê, hiện nay ở Cà Mau mực nước trên hệ thông kênh trục, kênh câp I chỉ còn từ 0,3m – 0,5m; trong đó, một số kênh đã cạn nước, hệ thống kênh cấp II, cấp III đều đã khô cạn. Mực nước trên hệ thống kênh xuống thấp, thậm chí khô cạn dần đến mất phản áp, gây ra hiện tượng sụp lún, sạt lở đường giao thông, đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống ngăn mặn; trên 20.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Hiện nay, tình hình sụp lún đê biển, rò rỉ, xói đáy các cống vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ xâm nhập mặn vào vùng ngọt hóa là rất cao, nguy cơ phá vỡ quy hoạch, phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Đặc biệt, đối với đoạn sụp lún đê biển Tây và những vị trí đang có nguy cơ sụp lún, nếu không xử lý kịp thời, khi mùa mưa bão năm 2020 đến sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, thiệt hại sẽ còn nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản, sản xuất của nhân dân sống bên trong đê.

Theo Laodong