Hướng đến xã hội hóa ngành nước Việt Nam từ nhà máy nước sạch Nhị Thành

Thứ hai, 19/8/2019 | 09:00 GMT+7
Tính đến năm 2020, Việt Nam cần đầu tư khoảng 1 tỷ USD/năm cho hệ thống cung cấp nước sạch đô thị. Theo đó, nhà máy nước sạch Nhị Thành là nỗ lực thành công góp phần giải quyết vấn đề sử dụng nước ngầm, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước”, nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng dự báo, đến năm 2025 lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số vừa nêu. Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi và hệ thống ao hồ dày đặc.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Trong năm qua, có đến 9.000 người tử vong vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm và kém vệ sinh, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và gần 200 ngàn người mắc bệnh ung thư mỗi năm. Nhu cầu sử dụng nước sạch càng bức thiết, tốc độ đô thị hóa càng nhanh, sức tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của các khu công nghiệp, cùng chất lượng đời sống của người dân ngày một cải thiện nhưng tại Việt Nam, hiện mới chỉ có khoảng 84% dân cư đô thị và 39% dân cư nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, an toàn.

Người dân coi nước giếng khoan là nguồn cung cấp nước chính trong sinh hoạt

Trước những bức bối về thực trạng ô nhiễm nguồn nước khiến chất lượng nước suy giảm và thiếu hụt trầm trọng nguồn nước sạch để duy trì các hoạt động sống của hàng triệu người dân, việc xây dựng nhà máy nước sạch Nhị Thành như một điểm sáng mở ra hướng xã hội hóa ngành nước cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng ngày 13/8, Ông Philippe Le Houérou - Tổng giám đốc điều hành Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) – thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới (WB) cùng nhiều lãnh đạo của định chế tài chính lớn nhất thế giới đã tới thăm Nhà máy nước Nhị Thành. Đây là dự án nước sạch trọng điểm của tỉnh Long An với dự phòng cấp nước lên đến 80.000 m3/ngày đêm, có tổng số vốn đầu tư 653 tỉ đồng.

Ông Philippe Le Houérou đến thăm nhà máy nước sạch Nhị Thành

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn IFC đã có cuộc trao đổi, thảo luận với các lãnh đạo cấp cao của DNP Water (thành viên của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai “DNP Corp.”) - doanh nghiệp đầu tư ngành nước đầu tiên tại Việt Nam được IFC hỗ trợ tài chính về tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như giải quyết các nhu cầu bức thiết về nước sạch cho hàng triệu người dân.

DNP Water mong muốn, World Bank và IFC tiếp tục ủng hộ cải cách các chính sách trong ngành nước, bao gồm các mục tiêu quốc gia, khung pháp lý, luật nước sạch, kế hoạch hành động chi tiết và chính sách ưu đãi, phân bổ nguồn lực cũng như tư nhân hóa đồng nhất với mục tiêu quốc gia.

Trong dài hạn, DNP Water kỳ vọng, IFC sẽ mở rộng các công cụ hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp có thể xúc tiến việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy nước ở nông thôn, ngoại ô trong tương lai. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ đơn vị trong việc quản trị, xây dựng mô hình và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong quản lý, vận hành nhà máy nước.
 

Thanh Tâm