Trong nước

Cà phê hòa tan, thanh long Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ

Thứ sáu, 25/12/2020 | 16:58 GMT+7
Mới đây, trong buổi giao thương trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực trái cây, hành tím, cà phê hòa tan và nội thất”, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) khẳng định mức độ ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam của người dân Ấn Độ và bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác.

Theo đó, tại buổi giao thương trực tuyến, ông Atul Kumar Saxena, chủ tịch IICCI cho biết, trong thời gian qua, IICCI đã tích cực phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để mở cửa thị trường nông sản và thực phẩm chế biến. Hội viên của IICCI đã bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm cà phê hòa tan, cá tra - cá ba sa và trái thanh long của Việt Nam từ những năm 2014 – 2015. Các sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ, đặc biệt sản phẩm thanh long Việt Nam đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn 5 sao tại quốc gia này. Đây cũng là món ăn tráng miệng yêu thích tại các tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ. Sản phẩm cà phê hòa tan cũng được bán phổ biến trên các trang web bán hàng trực tuyến.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, cơ hội giao thương, hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Việt Nam và Ấn Độ còn rất lớn, theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản và thịt gia súc chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam, trong năm tài chính 2018 - 2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm này đạt 3,9 tỷ USD so với tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam là 6,5 tỷ USD.

TS. Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM cho biết: “Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai quốc gia còn rất lớn, Tổng Lãnh sự quán đã cố gắng kết nối 11 tỉnh, thành phố phía Nam của Việt Nam nơi có nhiều sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng cao với thị trường Ấn Độ”.

Sản phẩm thanh long Việt được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ

Theo ông Thướng, Việt Nam có thể xuất khẩu vào Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trái cây tươi, thực phẩm chế biến và đồ gỗ; trong khi doanh nghiệp Ấn Độ cần tận dụng các tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, hóa chất...

Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng thương mại song phương vẫn kỳ vọng sẽ đạt 10 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 8,82 tỷ USD trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 4,76 tỷ USD và nhập khẩu đạt 4,06 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 700 triệu USD.

Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực, đạt 1,31 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 804 triệu USD giảm 24,6%; xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 373,78 triệu USD giảm 47,7%; xuất khẩu kim loại thường và sản phẩm đạt 265,98 triệu USD giảm 49,4%.

Đặc biệt, xuất khẩu chè có bước tăng trưởng đột biến đạt 4,96 triệu USD, tăng 300,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều tăng 21,3%; xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 32,3%; xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 22,6%.

Huyền Dung