Các địa phương Việt Nam và Pháp trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực môi trường

Thứ hai, 17/4/2023 | 08:53 GMT+7
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12, các chuyên gia đến từ hai nước đã cùng thảo luận về vấn đề môi trường, nước và xử lý nước.

Cụ thể, tại hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước”, các chuyên gia đã cùng nghe tham luận tập trung vào các nội dung như: bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, xử lý chất thải rắn, xử lý nước và cấp nước sạch, giảm thiểu và tái chế rác, kinh tế tuần hoàn…

Qua phiên chuyên đề này, các địa phương Việt Nam đã có cơ hội bày tỏ những nhận định, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm với Pháp về các dự án hợp tác của địa phương mình, từ đó giúp các địa phương hướng tới hợp tác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững. 

Tại đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm huy động các nguồn lực thực hiện các giải pháp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường tại địa phương… Trong giai đoạn tới, thành phố mong muốn hợp tác với các địa phương của Pháp về các nội dung: ứng dụng chuyển đổi số trong quan trắc môi trường, phục vụ quản lý thông minh chất lượng không khí tại thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư triển khai các dự án phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý môi trường cho cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường, đặc biệt là về quản lý tổng hợp nguồn nước…

Các chuyên gia Việt Nam và Pháp cùng tham gia hội thảo chuyên đề “Môi trường, nước và xử lý nước”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước, trong các chủ trương, quyết sách phát triển đất nước của Việt Nam. Với Pháp, cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương, hợp tác phát triển bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật. Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp vào tháng 11/2021 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Pháp đã khẳng định cam kết của hai nước về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đến nay, nhiều địa phương Việt Nam đã chủ động hợp tác với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông, khai thác sử dụng các nguồn nước liên tỉnh; hình thành nhiều mô hình liên kết bảo vệ hành lang đa dạng sinh học và vùng đệm trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Việc đẩy mạnh triển khai các mô hình liên kết, hợp tác trong bảo vệ môi trường đã nâng cao năng lực dự báo, tăng cường khả năng phòng ngừa, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong vùng và trên phạm vi cả nước.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh đang ưu tiên phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị như giao thông đô thị; chống ngập và cung cấp nước sạch...

Trao đổi với các cơ quan Pháp, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ, được biết, trong quản lý địa phương của Pháp, ngoài các đơn vị hành chính chính thức, Pháp có mô hình của các Cộng đồng đô thị (Metropole) – được hiểu là các liên kết vùng để thuận lợi cho việc hoạch định và triển khai các chính sách về đô thị, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là mô hình mà các địa phương Việt Nam mong được học tập kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương Pháp để không chỉ giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường của từng địa phương riêng lẻ, mà còn cùng nhau phối hợp để đảm bảo các yêu cầu về môi trường cho toàn khu vực

Trình bày tham luận “Quản lý chất thải nhựa tại thành phố Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội đã có nhiều quy định trong giảm thiểu chất thải nhựa. Thời gian tới, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện, ban hành quy định về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; các chính sách ưu đãi về tài chính đối với lĩnh vực thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Ngoài ra, thành phố tiếp tục hoàn thiện và ban hành kế hoạch chuẩn bị nguồn lực, tài chính, thể chế chính sách cấp thiết để thực hiện phân loại rác tại nguồn; tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn…

Khánh An (T/H)