Nông nghiệp sạch

Các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Thứ ba, 18/7/2023 | 15:47 GMT+7
Nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch được xây dựng trong bối cảnh hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển và vùng nội địa đang bị suy giảm nhanh chóng do các hoạt động khai thác quá mức, thậm chí hủy diệt. Theo đó, quy hoạch nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường của các loài, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn đa dạng sinh học, tăng diện tích thủy vực được bảo vệ, bảo tồn tại các vùng biển, vùng nội địa dựa trên cách tiếp cận thận trọng và tiếp cận dựa vào hệ sinh thái.

Thông qua quy hoạch, việc khai thác thủy sản sẽ phù hợp với tiềm năng, nguồn lực, theo hướng hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức sản xuất thủy sản.

Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và nước ngọt được bảo tồn, phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang định hướng các nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gồm: tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi trữ lượng nguồn lợi, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế quan trọng, loài đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Tăng quy mô, diện tích khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Cấm khai thác có thời hạn thủy sản ở các khu vực sinh sản, khu ương nuôi nguồn giống thủy sản tập trung của các loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý hiếm, loài bản địa và loài di cư, hướng đến phục hồi, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản. Hình thành nơi cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản ở vùng biển nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng; ngăn ngừa, dần hạn chế, chấm dứt các loại nghề, ngư cụ khai thác gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh.

Thành lập mới và hoạt động hiệu quả hệ thống mạng lưới các khu bảo tồn biển góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo; gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái biển.

Lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gene của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, hiếm, loài bản địa, loài đặc hữu có giá trị kinh tế. Đa dạng hình thức lưu giữ nguồn gene, lựa chọn đối tượng tiềm năng, đầu tư nghiên cứu sản xuất giống để chủ động việc tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế.

Tăng cường giám sát môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt vùng biển ven bờ, vùng tập trung phát triển kinh tế biển; dự báo xu thế biến động, suy thoái môi trường và các tác động tiêu cực; xử lý có hiệu quả, kịp thời ô nhiễm môi trường ở các vùng biển và trên các thủy vực.

Ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuân thủ các quy định bảo vệ loài rùa biển, thú biển và giảm thiểu đánh bắt loài không chủ ý.

Khuyến khích tối đa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Gia Bách (T/H)