Cần Thơ sẵn sàng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ hai, 22/7/2024 | 17:56 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị nêu, năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra 3 loại hình thiên tai: sạt lở bờ sông, mưa kèm theo dông lốc, triều cường. Dự báo, trong năm 2024, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố tai nạn gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Cụ thể, xây dựng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với tình hình thực tế, trong đó xác định cụ thể danh mục, thời gian hoàn thành và phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện. Rà soát kiện toàn Ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành, cấp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; rà soát quy chế hoạt động và triển khai thực hiện một cách đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả.

 Tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tận dụng ứng dụng họp trực tuyến để tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến, hội nghị kiểm tra liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng về việc thực hiện pháp luật liên quan đến phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai đến người dân.

Khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc... Xác định các trọng điềm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn (đặc biệt là sạt lở bờ sông, kênh rạch), tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý sự cố thiên tai xảy ra, chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.

Rà soát cập nhật, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi xảy ra tình huống thiên tai như: bão, mưa lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất... Xác định những khu vực trọng điểm, có nguy cơ rủi ro cao khi thiên tai xảy ra trên địa bàn để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh, xây dựng phương án cụ thể, sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết; kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chủ động dự trù lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm; bố trí thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp cơ sở.

Thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai. Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai và thiệt hại, công tác chỉ đạo ứng phó cũng như nhu cầu về nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả tại các Sở, ban ngành thành phố và các quận, huyện về Ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai xem xét quyết định.

Ngọc Huyền