Quản lý và sử dụng tài nguyên đất thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 21/7/2024 | 00:13 GMT+7
Mới đây, hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề “Quản lý và sử dụng tài nguyên đất thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra tại Thừa Thiên Huế.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế nhấn mạnh, vấn đề quản lý đất đai đang được Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm, ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) trên thế giới và ở Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, vấn đề quản lý và sử dụng đất đai sao cho thích ứng tốt, có hiệu quả cao và bền vững là vấn đề hết sức quan trọng.

Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trình bày, trao đổi kết quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong bối cảnh BĐKH. Đây cũng là cơ hội giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời thúc đẩy việc kết nối, hợp tác giữa các đơn vị có đào tạo quản lý đất đai và tài nguyên môi trường trong cả nước. Ngoài ra, còn là dịp gặp gỡ, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai bền vững.

Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận về nhiều nội dung: “Sạt lở bờ biển và biến động đường bờ tại miền Trung: Trường hợp cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế"; “Tài nguyên môi trường và sự phát triển bền vững nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long”; “Quản lý sử dụng đất bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Trong khuôn khổ hội thảo còn có báo cáo khoa học tại 5 tiểu ban xoay quanh chủ đề: tài nguyên đất đai và môi trường thích ứng với BĐKH; quy hoạch sử dụng đất - khai thác nguồn lực tài chính về đất đai; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên; quản lý nhà nước về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; định giá đất và bất động sản.

Ngoài ra, ban tổ chức đã chọn 72 bài báo khoa học của các nhà khoa học từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các trường đại học, viện nghiên cứu, Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh trên cả nước... để đăng trên tạp chí Khoa học Đất; 59 bài báo đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc.

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ Trần Ngọc Hải đánh giá, sự kiện là dịp quan trọng để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp... cùng thảo luận và đề ra giải pháp, đề xuất hữu hiệu cho những vấn đề về quản lý, khai thác đất đai; góp phần hình thành mạng lưới, cơ hội hợp tác giữa những cơ quan, đơn vị tích cực trong lĩnh vực môi trường.

Lam An (T/H)