Quảng Ninh và Hải Phòng chuẩn bị phương án ứng phó với bão số 2

Thứ hai, 22/7/2024 | 15:34 GMT+7
Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án ứng phó, phòng chống mưa lũ và sóng lớn trên biển khi bão số 2 đổ bộ vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 7 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 108 độ kinh đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 - 15km/giờ đi vào vịnh Bắc Bộ.

Đến 7 giờ ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ vĩ bắc; 107 độ kinh đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống dưới cấp 6. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/giờ.

Do ảnh hưởng của bão, gần sáng 23/7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định đề phòng triều cường cao kèm theo nước dâng và sóng lớn gây ngập tại khu vực trũng, thấp làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông.

Ảnh minh họa

Để ứng phó và phòng, chống cơn bão số 2, ngày 22/7, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến của bão, thông tin đến địa phương, đơn vị để chủ động triển khai biện pháp ứng phó. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp UBND các địa phương ven biển nắm tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm. Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hồ chứa trong tình huống mưa sau bão.

UBND các địa phương (đặc biệt các địa phương miền núi và ven biển) khẩn trương thực hiện ngay những biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương để chủ động kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó.

Chỉ đạo đôn đốc gia cố lại lồng bè nuôi trồng thủy sản, đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ lên trước). Thông báo cho các khu vui chơi, công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có giải pháp ứng phó thích hợp. Tổ chức trực canh tại ngầm tràn, đường giao thông; tuyên truyền nhân dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ.

Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các Đài thông tin duyên hải theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn khi có tình huống ảnh hưởng; thực hiện cấm biển khi có yêu cầu.

Cùng với Quảng Ninh, UBND thành phố Hải Phòng có công điện 04/CĐ-CT yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 2.

Cụ thể, thành phố Hải Phòng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để bảo đảm an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố căn cứ diễn biến của bão, chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đê điều; khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công; cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh; chủ động tiêu thoát nước đề phòng ngập úng; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Thanh Bảo (T/H)