Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành cũng đã quan tâm và ban hành những chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phát triển điện gió, cụ thể như sau:
Theo Quy hoạch Phát triển Điện VII (Tổng sơ đồ VII) đã được Chính phủ phê duyệt, đưa tổng công suất nguồn điện gió lên khoảng 800 MW vào năm 2020, 2.000MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030;
Theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng điện sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ khoảng 180 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 16 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 53 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5,0% vào năm 2050.
Trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018, Chính phủ đã điều chính tăng giá mua điện gió từ tương đương 7,8 USCent/kWh trong Quyết định 37/2011/QĐ-TTg năm 2011 lên 8,5 Uscent/kWh cho điện gió trên đất liền và 9,8 USCent/kWh cho điện gió ngoài khơi cho các dự án hoàn thành trước ngày 01/11/2021 nhằm khuyến khích hơn nữa việc đầu tư vào nguồn năng lượng sạch và thân thiện này.
Ảnh minh họa
Các nhà hoạt động trong lĩnh vực điện gió cả trong nước và ngoài nước hy vọng việc phát triển điện gió tại Việt Nam sẽ xứng tầm với những chính sách và mục tiêu cụ thể nêu trên. Tuy nhiên, trong khi điện mặt trời phát triển bùng nổ sau khi có Chính sách ưu đãi với gần 5.000MW vận hành trong nửa đầu năm 2019, thì tình hình phát triển điện gió vẫn khá trầm lắng.
Hoạt động trong lĩnh vực điện gió từ những ngày đầu tiên, chúng tôi xin phân tích thực trạng, nguyên nhân và những kiến nghị cho phát triển điện gió Việt Nam như sau: Dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam được thi công tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và được đưa vào vận hành năm 2009. Đến nay, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, không giống như điện mặt trời, điện gió Việt Nam vẫn chưa đạt như mong đợi, chưa đạt mục tiêu Chính phủ đã đưa ra trong Tổng sơ đồ VII, cụ thể là:
Đến đầu năm 2020 mới có 9 dự án điện gió đưa vào vận hành, tổng công suất 370 MW (Mục tiêu trong Tổng sơ đồ điện VII là 800 MW vào năm 2020).
Tổng công suất lắp đặt trên cả nước đến thời điểm hiện nay mới đạt khoảng 400 MW và chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào hoàn thành.
Hiện đang có hàng chục dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư ở miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 01/11/2021 theo Quy định của 39/2018/QĐ-TTg nói trên. Tuy nhiên do nhiều lý do khách quan và chủ quan, các dự án này đang đối mặt với nhiều nguy cơ làm đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước mốc thời gian 01/11/2021 nêu trên.
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng nói trên, chúng tôi nhận thấy, mặc dù điện gió được Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên phát triển trước điện mặt trời khá nhiều nhưng do có nhiều sự khác biệt mang tính đặc thù dưới đây nên việc phát triển các dự án điện gió đến nay vẫn còn hạn chế:
Giá mua điện gió dù được Chính phủ nâng lên mức tương đương 8,5 USCent/kWh nhưng thực tế với mức giá này các chủ đầu tư chỉ có thể có lãi với điều kiện 1) dự án có tiềm năng gió tốt, 2) có nguồn vốn vay hợp lý và 3) lựa chọn được thiết bị phù hợp. Hội tụ cả 3 yếu tố này luôn cần nhiều thời gian hơn cho các bên tham gia dự án.
Thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tuabin gió vận hành ổn định trên 20 năm thì cần phải có cần cẩu chuyên dùng để có thể lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi trên 100m. Thi công 1 dự án điện gió như vậy luôn bị kéo dài, thường từ 12 - 18 tháng (với dự án điện mặt trời là 5 - 12 tháng) và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro làm kéo dài thời gian.
Việc vận hành và bảo trì (O&M) các tua bin gió luôn khó khăn và tốn kém, trong nước hiện nay chưa làm chủ được mà phải thuê các nhà chế tạo tuabin hoặc chuyên gia nước ngoài.
Thời điểm hiện tại ngành điện gió trên thế giới đang trong giai đoạn phát triển nóng, cung đang vượt cầu; hơn nữa do dịch cúm Covid-19 nên các nhà xưởng chế tạo tại Trung Quốc đang bị đóng cửa, việc đặt hàng tuabin gió gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án phải đặt cọc với số tiền lớn và chỉ nhận được tuabin sau 1 năm ký kết hợp đồng. Điều này làm đội giá thành và kéo dài tiến độ các dự án điện gió lên khá nhiều.
Tuy nhiên, so với điện mặt trời, điện gió thân thiện hơn với lưới điện Việt Nam. Cụ thể là: hệ số sử dụng trên lưới cao hơn (khoảng 30 - 35% so với 20% của điện mặt trời); điện gió có cả ban ngày lẫn ban đêm và hiện đã có những phần mềm dự báo khá chính xác trong vòng 1 tuần nhằm phục vụ điều độ hệ thống. Điện gió cũng sử dụng rất ít đất với định mức 0,35ha/MW so với 1,2ha/MW của điện mặt trời.
Với những đặc trưng nêu trên, rút kinh nghiệm của khoảng trống chính sách điện mặt trời sau 30/6/2019 khi chính sách đấu thầu dự án năng lượng tái tạo chưa được ban hành và áp dụng tại Việt Nam; để ngành điện gió Việt Nam có thể phát triển xứng tầm, đáp ứng định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành, chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét gia hạn thời hạn của Chính sách ưu tiên phát triển điện gió trong Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thêm 14 tháng đến 31/12/2022.